Sốc nhiễm khuẩn dẫn đến tử vong do chủ quan khi bị sốt xuất huyết

Sự kiện - Ngày đăng : 10:20, 28/11/2022

Bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở các tỉnh và chưa có dấu hiệu dừng, nhiều bệnh nhân đã tử vong do chủ quan và nhiễm trùng nặng.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang gia tăng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch; đồng thời hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng chống dịch.

Trao đổi với phóng viên, BSCK1 Huỳnh Ngọc Thiên Vương (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh lây từ người sang người qua đường muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Bệnh sốt xuất huyết có 3 giai đoạn, nếu bệnh nhân mắc ở giai đoạn nhẹ, thể nhẹ, có thể tự khỏi. Bởi sốt xuất huyết là do vi rút dengue và thường từ 7 - 10 ngày bệnh nhân có thể tự khỏi.

Tuy nhiên ở thể nặng, bệnh nhân cần nhập viện khi có các triệu chứng cảnh báo như: ý thức vật vã, lơ mơ, li bì, nôn nhiều, đau bụng vùng gan…, ngoài ra khi xét nghiệm có bất thường thì bệnh nhân phải nhập viện để được theo dõi và điều trị kịp thời. Thông thường trong 3 ngày đầu, người bệnh thường sốt cao, đau nhức toàn thân. Từ ngày thứ 4 trở đi, người bệnh không còn sốt cao nên sinh tâm lý chủ quan, tuy nhiên đây lại là giai đoạn bệnh bắt đầu chuyển nặng như tụt huyết áp, chảy máu nhiều… Vì vậy, người bệnh và người chăm sóc nên lưu ý giai đoạn này.

Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh viện đang điều trị cho gần 200 người mắc sốt xuất huyết, có những ngày số bệnh nhân nhập viện lên tới 20 - 30 người. Đa số bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn tiểu cầu sụt giảm nhanh, thậm chí có tới 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc và bị ngưng tim.

Vừa qua, bệnh viện cũng ghi nhận 2 ca tử vong mới nhất đều là nam giới, tuổi 31 và 38, sống ở Hà Nội. Khi được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới vào ngày thứ 5 và 7 của bệnh, cả hai đã rơi vào tình trạng sốc. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) nhưng tình trạng bệnh quá nặng, cả hai tử vong sau 6 ngày điều trị.

tri-hoan-vao-vien-do-dich-3.png
Nhiều bệnh nhân bị diễn biến nặng, thậm chí dẫn đến tử vong do chủ quan và sốc nhiễm khuẩn

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết Hà Nội và nhiều địa phương đang trong tình trạng lưu hành nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, vi rút adeno, cúm A, cúm B với triệu chứng chồng chéo. Bệnh nhân đồng nhiễm nhiều bệnh, còn bác sĩ các tuyến dễ bị chẩn đoán nhầm, không điều trị đúng, kịp thời.

Nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn hiện có tâm lý chủ quan, không tới khám để được tư vấn, xử trí tốt từ đầu. "Nhiều người cho rằng nhiễm sốt xuất huyết là phải có dấu hiệu xuất huyết ngoài, nhưng nhiều trường hợp dấu hiệu tiểu cầu hạ nhanh nhưng bệnh nhân vẫn bình thường và chỉ sốt nhẹ. Tuy nhiên chỉ 1-2 ngày sau bệnh nhân sẽ diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Diễn biến của sốt xuất huyết có thể gây ra một số dấu hiệu cảnh báo mà nếu không kịp thời xử trí tại bệnh viện, bệnh sẽ diễn biến nặng rất nhanh. Thời gian nguy kịch có thể tính bằng giờ, thậm chí từng phút.

Theo các chuyên gia y tế, khi bệnh nhân có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau đầu... cần đi khám ngay để xét nghiệm máu, phát hiện ra các yếu tố khác như chỉ số tiểu cầu, hematocrit, gan to.

"Quan trọng hơn hết là nhiều người vẫn chủ quan khi mắc bệnh, dẫn đến thực trạng nhập viện muộn, các dấu hiệu xuất hiện chồng chéo nhưng không được phát hiện kịp thời. Bệnh nhân nhiễm bệnh thời gian này qua theo dõi thậm chí chỉ ở ngày thứ 3 - 4 đã sốc và ảnh hưởng tới sức khỏe, tiểu cầu giảm nhanh".

Qua những dấu hiệu cũng như sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, các chuyên gia khuyến cáo người bị sốt dai dẳng 2-3 ngày nên đến bệnh viện khám, tìm nguyên nhân. Nếu được chẩn đoán là sốt xuất huyết, người bệnh sẽ cần có kế hoạch theo dõi từ bác sĩ với những dấu hiệu cảnh báo như mệt lả, nôn, đi ngoài phân đen, tràn dịch màng phổi, xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu giảm, cô đặc máu tăng, gan to… 

Ngoài ra, người dân cần tránh những cách điều trị sai khi gia đình có người mắc sốt xuất huyết:

- Cạo gió: Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh dễ bị chảy máu hoặc bầm da do tình trạng rối loạn đông máu. Cạo gió làm vỡ các mạch máu tạo ra nhiều mảng bầm máu.

- Không ăn uống đầy đủ: Nhiều người bệnh sốt xuất huyết thường đau bụng, tiêu chảy, ói nhiều nên nhịn ăn uống vì sợ rối loạn tiêu hóa nặng hơn. Điều này dẫn đến hạ đường huyết, rối loạn điện giải, co giật, dễ tụt huyết áp… Người bệnh nên uống nhiều nước, ăn đầy đủ, trẻ nhỏ có thể ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, chia thành nhiều cữ. Tránh thức ăn, nước uống có màu đen hoặc đỏ, vì sẽ khó phân biệt khi người bệnh ói máu hoặc tiêu phân có máu.

- Dùng thuốc hạ sốt không đúng cách: Paracetamol là thuốc hạ sốt phổ biến và khá an toàn trong bệnh sốt xuất huyết, nhưng vì tâm lý muốn hạ sốt nhanh nên người bệnh dùng thuốc hạ sốt dồn dập liên tục. Ở trẻ em, một số cha mẹ vừa cho đồng thời thuốc uống lẫn thuốc nhét hậu môn. Khi quá liều paracetamol dẫn đến ngộ độc, suy gan, rối loạn đông máu nặng hơn. Liều dùng cho trẻ em là 10 - 15mg/kg/lần, mỗi lần uống cách nhau 4 - 6 giờ. Liều an toàn nên dưới 4g/ngày với người lớn và dưới 80mg/kg/ngày với trẻ em. Tuyệt đối không dùng thuốc ibuprofen và aspirin để hạ sốt vì 2 loại thuốc này dễ gây xuất huyết tiêu hóa, làm tình trạng bệnh thêm nguy kịch.

- Ủ ấm quá mức: Khi sốt cao, người bệnh có cảm giác lạnh run nên thường đắp mền (chăn) khiến khó thoát nhiệt làm cho sốt khó hạ. Trẻ em thì được cha mẹ quấn khăn ủ kỹ vì sợ con lạnh, sốt ngày càng cao có thể khiến trẻ bị co giật. Người bệnh tốt nhất nên mặc đồ thoáng, lau nước ấm thường xuyên, ở trong phòng thoáng mát.

- Tự dùng thuốc kháng sinh: Kháng sinh không có tác dụng gì với bệnh sốt xuất huyết, vì đây là bệnh do vi rút gây ra. Người bệnh không nên có suy nghĩ cứ sốt là phải dùng kháng sinh, cần có ý kiến của bác sĩ.

- Tự ý truyền dịch: Đây cũng là quan niệm sai vẫn còn tồn tại của một bộ phận người dân. Việc tùy tiện truyền dịch không đúng cách sẽ dẫn đến phù, khó thở, thậm chí phù phổi, suy tim, nguy hiểm đến tính mạng. Truyền dịch chỉ nên thực hiện trong các cơ sở y tế và phải có sự theo dõi chặt chẽ.

Khi sốt, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán phù hợp, có bị bệnh sốt xuất huyết hay không. Tùy mức độ bệnh và kết quả các xét nghiệm, người bệnh có thể được hướng dẫn dùng thuốc, theo dõi và chăm sóc tại nhà. Người bệnh sẽ được thăm khám, đánh giá mức độ nặng và xử trí phù hợp. Nên tránh tình trạng đến bệnh viện trễ dẫn đến tụt huyết áp quá lâu, mất máu quá nhiều, tổn thương đa cơ quan khó hồi phục.

Dạ Thảo