Hàn Quốc hứng chịu làn sóng đình công

Chuyển động - Ngày đăng : 10:26, 30/11/2022

Sau tài xế xe tải, đến lượt nhân viên tàu điện ngầm tiến hành đình công khiến tình hình tại Hàn Quốc càng thêm căng thẳng.

Nhân viên Seoul Metro (đơn vị vận hành hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô của Hàn Quốc) ngừng làm việc từ sáng 30.11, lần đình công đầu tiên trong 6 năm nay. Họ yêu cầu chính phủ rút lại kế hoạch thu hẹp lực lượng lao động, thay vào đó tuyển thêm nhân viên để cải thiện điều kiện an toàn.

Chính quyền thủ đô đảm bảo tàu điện ngầm hoạt động bình thường trong giờ cao điểm. Nhân viên về hưu và nhân viên không tham gia công đoàn được huy động thay thế tạm thời.

Hãng tin Yonhap News cho biết tàu điện ngầm Seoul vào giờ cao điểm sáng không bị gián đoạn, nhưng khoảng thời gian sau đó hoạt động của hệ thống sẽ giảm xuống còn khoảng 72 - 85% mức bình thường. Chính quyền thủ đô dự tính tăng số chuyến xe buýt công cộng vào giờ cao điểm sáng và giờ cao điểm tối.

Theo công đoàn của Seoul Metro, trong ngày thường sẽ có khoảng 9.700 nhân viên đình công, đến cuối tuần tăng lên 14.000.

Sau nhân viên của Seoul Metro, nhân viên Korea Railroad (đơn vị điều hành đường sắt Hàn Quốc) cũng chuẩn bị đình công quy mô toàn quốc vào ngày 2.12. Họ đề nghị tuyển thêm người, tăng lương và cải thiện an toàn lao động.

sk.jpg
Tàu điện ngầm Seoul vào giờ cao điểm sáng 30.11 vẫn hoạt động bình thường - Ảnh: Straits Times

Đình công của nhân viên Seoul Metro diễn ra khi Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa do tài xế xe tải đang tiến hành đình công. Đình công của tài xế nhiều ngành nghề kéo dài từ ngày 24.11 đến nay, chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc thương lượng nhưng đều thất bại.

Ngày 29.11, chính phủ Hàn Quốc ban hành lệnh yêu cầu tài xế ngành xi măng quay lại làm việc ngay lập tức (ngành xây dựng bị đình công ảnh hưởng nặng nề nhất). Người không tuân thủ có thể bị tước giấy phép lái xe, phạt 3.000 won hoặc 3 năm tù.

Nhân viên Seoul Metro và Korea Railroad tiến hành đình công khi chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thư ký chính sách của công đoàn Korea Railroad Kim Seo-nuk cho biết: “Chúng tôi đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động kinh niên, vậy mà chính sách tái cơ cấu mà chính phủ theo đuổi lại thu hẹp lực lượng lao động hơn nữa. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài đình công nhằm tìm kiếm cơ hội đàm phán”.

Cẩm Bình