Làn sóng ‘tị nạn năng lượng’ tại châu Âu
Quốc tế - Ngày đăng : 12:08, 30/11/2022
Gia đình Varlamov chuyển đến vào 2 tháng trước, dự tính ở lại Gran Canaria (thuộc quần đảo Canary) trong vài tháng. Họ không phải trường hợp cá biệt.
“Khủng hoảng kinh tế và hơn hết là tình hình chiến sự thúc đẩy tôi đến đây”, ông Varlamov chia sẻ.
Ra nước ngoài bởi chi phí năng lượng
Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao, làm cho nhiều nước châu Âu rơi vào cảnh lạm phát kỷ lục.
Sống ở thành phố Gdansk của Ba Lan, 200 euro hiện chỉ đủ để Varlamov trả tiền điện. Tại chỗ ở mới, ông có thể tiết kiệm 250 euro tiền thuê nhà mỗi tháng và chỉ cần trả 140 euro cho tất cả tiện ích lẫn internet.
Số tiền tiết kiệm cho phép Varlamov đi ăn tiệm, dạo bãi biển lúc nghỉ trưa. Ông cảm thấy hài lòng: “Thực tế tốt hơn những gì tôi mong đợi”.
Quần đảo Canary có nhiệt độ trung bình vào mùa đông là 20 độ C. Chính quyền địa phương hồi tháng 9 phát động một chiến dịch truyền thông xã hội nhằm thu hút lực lượng lao động làm việc từ xa - như ông Varlamov - và những người về hưu từ quốc gia khác như Anh, Đức, Thụy Điển.
Quan chức du lịch Canary Yaiza Castilla cho biết: “Sẽ là một mùa đông của bất ổn kinh tế ở châu Âu, nhưng chúng tôi muốn xoay chuyển tình thế”.
Các quốc gia Nam Âu khác cũng nhìn ra thời cơ. Bộ trưởng Du lịch Hy Lạp vào tháng 9 sang thăm Áo và một số nước Bắc Âu với mục đích “biến khủng hoảng năng lượng thành cơ hội”. Cơ quan du lịch Bồ Đào Nha cũng phát động chiến dịch quảng bá, quan chức đứng đầu Luis Araujo, cũng rất kỳ vọng vào lượng khách du lịch Bắc Âu mùa đông.
Dữ liệu thu thập bởi công cụ tìm kiếm HomeToGo cho thấy so với năm ngoái, số lượt tìm kiếm nơi lưu trú mùa đông tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp của người dân Anh, Đức, Hà Lan tăng lần lượt 36%, 13% và 3%.
Giám đốc điều hành chuỗi khách sạn Melia (Tây Ban Nha) Gabriel Escarrer cho biết nhiều người đặt phòng lưu trú 2 - 3 tháng tại quần đảo Canary, đáng chú ý là du khách Scandinavia.
Tránh mùa đông và hơn thế nữa
Cũng có nhiều du khách và thường trú nhân từ Đức đến hơn. Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, cuộc chiến tại Ukraine làm dấy lên nỗi lo thiếu hụt năng lượng vào mùa đông.
Trường học Đức tại Gran Canaria năm nay nhận 40 hồ sơ đăng ký nhập học của sinh viên nước ngoài, cao hơn mọi năm.
Repeople - nền tảng văn phòng làm việc chung tại quần đảo Canary, cho biết họ đã được đặt kín chỗ cho tháng 11 và 80% trong khoảng thời gian còn lại của mùa đông.
Trong số người đặt chỗ là lao động tự do người Đức Heiko Schaefer. Anh dự định ở lại cho đến Giáng sinh. “Giá cả tăng cao hiện nay khiến nhiều người chuyển đến miền nam. Đảo này là nơi trú ẩn mùa đông”, theo Schaefer.
TUI fly - hãng hàng không khai thác chuyến bay giữa Đức và Canary, cũng nhận định chi phí năng lượng tăng thúc đẩy người dân châu Âu đến miền nam. Hãng dự định tăng 10% số chuyến bay.
Nền tảng Airbnb ghi nhận số lượt tìm kiếm nơi lưu trú mùa đông ở Nam Âu tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian tháng 4 đến tháng 6.
Ở lại hoặc ra đi mãi mãi
Với đa số người dân Bắc Âu, đến miền nam châu lục chỉ là giấc mơ vì chi phí sinh hoạt tăng cao đồng nghĩa với việc không thể chi trả cho các chuyến du lịch xa xỉ. Thay vào đó họ tích trữ chăn mền bông, chăn điện, nồi nấu chậm.
Một số người khác lại quyết định chuyển đến nơi khác định cư. Công dân Anh Natasha Caldeiras dự định sang Bồ Đào Anh (quê chồng cô ) sinh sống trước Giáng sinh.
Giá năng lượng hằng tháng tại Anh của gia đình Caldeiras vào khoảng 200 bảng và sẽ còn tăng. Cô tin sống ở nơi ấm áp hơn cho phép họ bật máy sưởi ít hơn. “Trong cơn khủng hoảng năng lượng, thì Bồ Đào Nha mang lại sự an toàn vì khí hậu ở đó”, cô Caldeiras chia sẻ.