Apple ngày càng giảm phụ thuộc Trung Quốc về sản xuất, Việt Nam, Mỹ và Đài Loan hưởng lợi
Thế giới số - Ngày đăng : 12:30, 30/11/2022
Khi nhà máy iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt sản xuất và bất ổn về lao động phần lớn do các chính sách ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 khắc nghiệt, các nhà phân tích cho rằng những rủi ro và sự dịch chuyển sản xuất của Apple sẽ diễn ra nhanh hơn.
Một phân tích từ hãng tin Reuters về dữ liệu chuỗi cung ứng của Apple cho thấy sự phụ thuộc Trung Quốc trong hoạt động sản xuất toàn cầu của công ty Mỹ đang giảm dần. Trong 5 năm tính đến 2019, Trung Quốc chiếm 44% đến 47% địa điểm sản xuất của các nhà cung cấp cho Apple, nhưng con số đó đã giảm xuống 41% vào năm 2020 và 36% vào 2021.
Dữ liệu cho thấy nỗ lực đa dạng hóa của Apple và các nhà cung cấp cho họ, với các khoản đầu tư vào Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời tăng cường thu mua hàng hóa từ Đài Loan, Mỹ và các nơi khác. Điều này đang định hình lại cấu trúc nguồn cung toàn cầu, dù các nhà phân tích và học giả cho rằng Apple sẽ vẫn tiếp xúc nhiều với Trung Quốc nhiều năm tới.
Eli Friedman, phó giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ), người nghiên cứu về lao động ở Trung Quốc, nhận xét: “Chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ không biến mất chỉ sau một đêm. Việc tách rời là không thực tế với các công ty này vào thời điểm hiện tại”, nhưng ông kỳ vọng quá trình đa dạng hóa sẽ tăng tốc.
Sự tập trung các nhà cung cấp ở Trung Quốc là một đặc điểm chính của Apple, hãng smartphone có lợi nhuận cao nhất thế giới. Trong đó, hầu hết iPhone được sản xuất tại nhà máy của Foxconn, chiếm 70% số iPhone xuất xưởng trên toàn cầu,
Thế nhưng, chiến lược đang thay đổi, không chỉ do các lệnh phong tỏa và hạn chế liên quan đến đại dịch của Trung Quốc, mà còn vì căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc với Mỹ gây ra những rủi ro tiềm ẩn trong dài hạn.
Foxconn đang đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất ở Ấn Độ, với kế hoạch tăng gấp 4 lần lực lượng lao động tại nhà máy iPhone của họ trong vòng 2 năm, theo các quan chức chính phủ am hiểu về vấn đề này.
Hãng dịch vụ tài chính J.P.Morgan dự kiến Apple sẽ chuyển khoảng 5% sản lượng iPhone 14 sang Ấn Độ từ cuối năm nay và sản xuất 1/4 số iPhone ở Ấn Độ vào 2025.
J.P.Morgan ước tính rằng khoảng 25% tổng số sản phẩm của Apple, gồm cả iPhone, Mac PC, iPad, Apple Watch và AirPods, sẽ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc vào năm 2025 so với 5% hiện nay. Tuy nhiên theo phân tích từ Reuters, dữ liệu nhà cung cấp cho Apple đến năm 2021 cho thấy không có địa điểm nào có mức tăng đáng kể về tổng số sản phẩm để phù hợp với sự suy giảm ở Trung Quốc. Mỹ tăng mạnh nhất lên 10,7% vào năm 2021 từ 7,2% vào 2019, tiếp theo là Đài Loan với mức tăng từ 6,7% lên 9,5%. Ấn Độ vẫn là sự hiện diện tương đối nhỏ, tăng lên 1,5% từ dưới 1%, trong khi Việt Nam mở rộng lên 3,7% từ 2,2%.
Eli Friedman cho biết: "Việt Nam và Ấn Độ không phải là Trung Quốc. Họ không thể sản xuất ở quy mô đó, với chất lượng, thời gian quay vòng cùng độ tin cậy của cơ sở hạ tầng".
Thời gian quay vòng là khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành quy trình hoặc thực hiện một yêu cầu.
Theo dữ liệu hàng năm, hơn 600 địa điểm trong số các nhà cung cấp hàng đầu cho Apple chiếm 98% chi tiêu trực tiếp của công ty Mỹ. Apple không tiết lộ số tiền mà họ chi cho từng nhà cung cấp và những khoản chi có thể thay đổi hàng năm. Các khoản chi của Apple sẽ cho các nhà sản xuất theo hợp đồng iPhone, iPad, Apple Watch, AirPods cũng như các nhà cung cấp chip, kính, vỏ nhôm, dây cáp, bảng mạch và các thành phần khác.
Trong khi sự dịch chuyển của Apple khỏi Trung Quốc ngày càng rõ ràng, gồm cả ở dữ liệu chuỗi cung ứng của chính họ, thì rủi ro từ việc tập trung hoạt động sản xuất tại quốc gia này cũng vậy.
Các vấn đề về lao động tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu phần lớn do yêu cầu của chính sách ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2. Chính sách này yêu cầu công nhân phải cách ly với thế giới bên ngoài trong các hệ thống khép kín để duy trì hoạt động của dây chuyền sản xuất.
Tình trạng bất ổn đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, những người có ý thức về các khía cạnh nhân quyền cũng như mục tiêu sản xuất.
Pia Gisgard cho biết: “Điều quan trọng là công ty thực hiện các mệnh lệnh này theo cách tôn trọng quyền của mọi người”.
Pia Gisgard là người đứng đầu bộ phận quản trị và bền vững tại Swedbank Robur - công ty nắm giữ số cổ phiếu Apple trị giá khoảng 1,3 tỉ USD tính đến cuối tháng 9, theo dữ liệu của Refinitiv.
Số iPhone 14 Pro xuất xưởng có thể giảm 20 triệu chiếc so với ước tính
Nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo của hãng TF International Securities Group Ltd nói các mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max có thể giảm 20 triệu chiếc so với kỳ vọng của thị trường trong quý 4/2022 do tình trạng bất ổn lao động tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu.
Ming-Chi Kuo đã cắt giảm ước tính cho việc xuất xưởng iPhone quý 4/2022 khoảng 20% xuống còn từ 70 triệu đến 75 triệu chiếc, so với mức đồng thuận của thị trường là 80 triệu đến 85 triệu chiếc.
Cổ phiếu Apple giảm 2,11% xuống còn 141,17 USD hôm 29.11, cộng với mức giảm 6% từ đầu tháng đến nay, do lo lắng về các lô hàng trong mùa bán hàng quan trọng ngày lễ tăng lên.
Trong bài đăng trên blog hôm 29.11, Ming-Chi Kuo cũng dự đoán rằng sự thiếu hụt nguồn cung có thể xóa bỏ nhu cầu với các mẫu iPhone 14 Pro thay vì trì hoãn việc bán hàng, bởi người tiêu dùng cũng phải vật lộn với nền kinh tế suy yếu.
Ngược lại, các nhà phân tích khác kỳ vọng doanh số bán hàng của Apple sẽ tăng lên khi các hạn chế về sản xuất giảm bớt và nhiều iPhone 14 Pro hơn sẽ xuất xưởng.
Nhà phân tích Angelo Zino của hãng CFRA Research nói những hạn chế đến vào thời điểm tồi tệ nhất có thể và nghiêm trọng nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch. Một số nhà phân tích báo hiệu khả năng những thách thức sẽ kéo dài đến năm 2023.
Zeno Mercer, nhà phân tích nghiên cứu tại công ty tư vấn đầu tư ROBO Global, nói: “Tôi không thể tưởng tượng được 2023 sẽ là một năm thành công với iPhone của Apple. Những người muốn nâng cấp máy sẽ có, nếu không thì thu nhập khả dụng cho iPhone thế hệ tiếp theo sẽ giảm".
Thu nhập khả dụng (disposable income) là thu nhập thuần còn lại sau khi đã trả thuế địa phương, thuế liên bang và thuế tiểu bang, dành để tiêu dùng hoặc tiết kiệm.