Đối tượng bị làn sóng sa thải công nghệ ở Mỹ ảnh hưởng lớn nhất
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:41, 30/11/2022
Người nước ngoài không thể ở lại Mỹ quá 60 ngày sau khi mất việc. Hàng trăm người Ấn Độ hiện đang tìm kiếm công việc mới trước khi khoảng thời gian này kết thúc.
Sa thải và không tuyển dụng mới
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, môi trường làm việc tại Mỹ - đặc biệt tại công ty công nghệ hàng đầu như Google, Apple, Meta, Twitter - xấu đi do hàng loạt vấn đề như quyền riêng tư, ngược đãi lao động, khủng hoảng lãnh đạo và giá cổ phiếu không đạt kỳ vọng.
Đến năm nay làn sóng sa thải ập đến. Cơ sở dữ liệu cộng đồng layoffs.fyi thống kê, tính đến giữa tháng 11, hơn 73.000 lao động ngành công nghệ Mỹ đã mất việc.
Nhiều lao động mất việc dường như không được đơn vị sử dụng lao động hướng dẫn kỹ càng.
Tập đoàn Meta trước đó tuyên bố nhân viên bị sa thải có thị thực sẽ được “chuyên gia di trú tận tâm” hỗ trợ, nhưng một cựu nhân viên nói với trang Bloomberg rằng tư vấn chẳng hữu ích.
Tình hình càng tồi tệ hơn khi bên cạnh làn sóng sa thải, các công ty còn “đóng băng” hoặc cắt giảm tuyển dụng mới trước dịp lễ cuối năm.
Người Ấn Độ bị ảnh hưởng lớn nhất
Theo một khảo sát năm 2020 của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình quốc tế (CEIP), trong số hơn 4 triệu người gốc Ấn sống tại Mỹ chỉ có khoảng 60% là công dân Mỹ. Như vậy là có hơn 1,5 triệu người đang làm việc với nhiều dạng thị thực khác nhau – đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề khi kinh tế ảm đạm. Ngay cả người nắm giữ thị thực H-1B (cấp cho lao động tay nghề cao) cũng gặp khó khăn.
Trong hai năm 2020 và 2021, người Ấn Độ chiếm đến gần 75% trong số hơn 400.000 người được cấp H-1B hàng năm. Khảo sát của CEIP chỉ ra khoảng 36% người đến từ Ấn Độ nắm giữ thị thực này đã sống ở Mỹ hơn 10 năm, gắn bó chặt chẽ với Mỹ.
Nhiều người còn đang phải trả các khoản vay và một số khác có con đang đi học.