Quy hoạch đô thị lúng túng, chậm chạp sẽ lãng phí nguồn lực

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:45, 30/11/2022

Thủ tướng cho rằng quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, phát triển không đột phá.

Tại hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 diễn ra ngày 30.11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950 - 1.000 đô thị năm 2025 và khoảng 1.000 - 1.200 đô thị năm 2030.

Đến năm 2025 sẽ có 100% đô thị loại 3 trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng và công trình văn hóa cấp đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2030.

Diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 năm 2025 và 32m2 năm 2030. Kinh tế đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% năm 2025 và khoảng 85% năm 2030. Sẽ có mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và từ 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030.

Hiện nay, hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi vùng. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo tại các đô thị lớn.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, bên cạnh nhiều kết quả quan trọng, đô thị Việt Nam cũng còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và các thách thức cần vượt qua.

Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề như quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thiếu nhà ở xã hội, tác động, rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, phát thải khí nhà kính, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa) chưa phát triển ngang tầm kinh tế, nhất là khi có diễn biến bất thường như đại dịch COVID-19, tình trạng quy hoạch treo ở một số nơi…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số thách thức như giải pháp để tăng trưởng của các đô thị không gây áp lực lên nguồn lực đất đai có hạn, không tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện có, không phát triển phân tán thiếu bền vững, không làm hạn chế các cơ hội của thế hệ tương lai…

Theo Thủ tướng, cần có tư duy, cách tiếp cận mới; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; triển khai công việc có trọng tâm trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.

tt.jpg
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị đô thị toàn quốc - Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu coi trọng và đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch; đa dạng hóa, kết hợp, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực; thống nhất nhận thức và hành động; có giải pháp phù hợp, xử lý các vấn đề đặt ra đạt hiệu quả cao nhất; phát huy mạnh mẽ dân chủ, trí tuệ tập thể.

"Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, phát triển không đột phá. Công tác quy hoạch làm tốt thì mới tiết kiệm được nguồn lực, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và hóa giải những khó khăn, thách thức của địa phương, của vùng. Chúng ta có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm… và nếu tôn trọng, làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì chúng ta sẽ có đô thị trật tự và phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng chiến lược theo 3 đột phá chiến lược đã được xác định, nhất là hạ tầng giao thông, từ đó tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

"Chúng ta đã có Luật Hợp tác công tư nhưng công cụ huy động hợp tác công tư còn yếu. Hiện vẫn còn nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần xử lý nhưng với cơ chế đang có thì các địa phương vẫn có thể làm được nếu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tập trung suy nghĩ, vận dụng tối đa các quy định hiện có trên tinh thần dám nghĩ dám làm", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau. Các ngành cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng, phối hợp chung, thống nhất, hình thành sức mạnh tổng hợp trong phát triển đô thị vì lợi ích chung và mục tiêu chung.

Về nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, Thủ tướng yêu cầu phát hiện các vướng mắc và phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.

“Nếu cần thiết thì làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhất là trong việc xử lý những điểm nghẽn trong phát triển đô thị; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị”, Thủ tướng nêu.

Lam Thanh