Cảnh báo hàng tỉ người: Dùng ứng dụng nhái WhatsApp dễ lộ tin nhắn, ảnh riêng tư
Thế giới số - Ngày đăng : 11:25, 01/12/2022
Hàng tỉ người dùng iPhone và Android trên toàn thế giới đã được khuyến cáo nên cảnh giác với bản sao của nền tảng nhắn tin hàng đầu WhatsApp. Việc chọn sai ứng dụng trông giống WhatsApp có thể đưa những tin nhắn, hình ảnh ảnh riêng tư nhất của bạn cho người lạ xem.
WhatsApp, công ty con của Meta Platforms, đưa ra cảnh báo với người dùng về các bản sao của ứng dụng nhắn tin phổ biến này. “Các ứng dụng WhatsApp không chính thức là các phiên bản thay đổi theo ứng dụng của chúng tôi, đồng nghĩa chúng được phát triển bởi bên thứ ba và vi phạm Điều khoản dịch vụ của công ty.
Chúng tôi không hỗ trợ những ứng dụng này vì chúng gây rủi ro cho quyền riêng tư, bảo mật và an toàn của bạn. Nếu bạn sử dụng chúng, không có gì đảm bảo tin nhắn hoặc dữ liệu như vị trí, các file mà bạn chia sẻ sẽ được riêng tư và an toàn”, WhatsApp cảnh báo.
Nhóm hỗ trợ WhatsApp đã cảnh báo rằng không có cách nào để đảm bảo rằng tin nhắn của bạn an toàn khi sử dụng một trong các ứng dụng nhái nền tảng trò chuyện này.
Việc sử dụng các ứng dụng nhái cũng cấu thành hành vi vi phạm điều khoản dịch vụ của WhatsApp. Điều này có thể dẫn đến việc bạn bị hạn chế sử dụng ứng dụng thực.
WhatsApp đã nêu bật ít nhất hai phiên bản sửa đổi của ứng dụng có chứa phần mềm độc hại mà người dùng iPhone và smartphone Android nên tránh xa: WhatsApp Plus và GB WhatsApp.
Các dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn cho thấy bạn đang sử dụng ứng dụng nhái WhatsApp là yêu cầu trả phí thành viên. Ứng dụng WhatsApp thật không tính phí sử dụng.
Dù Google có khả năng cảnh báo người dùng Android trong cửa hàng ứng dụng Play Store khi họ cố tải xuống ứng dụng nhái WhatsApp rằng đó là phiên bản lừa đảo và kết quả là có thể bị gỡ cài đặt, nhưng đây vẫn không phải là hệ thống hoàn hảo.
Điều tốt nhất người dùng có thể làm là tải xuống ứng dụng WhatsApp chính thức tại https://apps.apple.com/us/app/whatsapp-messenger/id310633997 nếu dùng iPhone, hoặc https://play.google.com/store/apps/details?id=com.whatsapp&hl=en_GB&gl=US&pli=1 nếu xài thiết bị Android.
Thời gian qua, Meta Plaforms nhắm mục tiêu vào hệ thống nhắn tin iMessage của Apple khi quảng bá WhatsApp.
Hôm 17.10, Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Plaforms, đã đăng một bức ảnh quảng cáo tại Ga Penn ở thành phố New York (Mỹ), gợi ý rằng WhatsApp an toàn và riêng tư hơn iMessage và tin nhắn văn bản truyền thống.
“WhatsApp riêng tư và an toàn hơn nhiều so với iMessage, với mã hóa đầu cuối hoạt động trên cả iPhone và Android, gồm cả các cuộc trò chuyện nhóm”, Mark Zuckerberg viết trên Instagram.
Mã hóa đầu cuối có nghĩa là hệ thống nhắn tin được xây dựng theo cách mà nhà cung cấp dịch vụ không thể xem nội dung của các văn bản và không thể cung cấp chúng theo yêu cầu pháp lý. Cả WhatsApp và iMessage đều được mã hóa. Tuy nhiên, tin nhắn và bản sao lưu thiết bị trên một trong hai dịch vụ có thể được lưu trữ theo cách mà công ty có thể truy cập chúng. Chẳng hạn, tin nhắn SMS được lưu trữ bởi các nhà cung cấp dịch vụ di động không dây.
Mark Zuckerberg lưu ý rằng WhatsApp đã giới thiệu các bản sao lưu được mã hóa vào năm ngoái. Ông cũng nhấn mạnh một tính năng cho phép người dùng WhatsApp thiết lập các tin nhắn mới để tự động xóa.
“Đó là tất cả những thứ mà iMessage vẫn chưa có”, Mark Zuckerberg viết trong bài đăng của mình. Ông cho biết thêm rằng công ty đang nghiên cứu mã hóa đầu cuối cho các tin nhắn Instagram trong một bình luận.
Meta Plaforms coi Apple là đối thủ cạnh tranh trong nhiều năm, ngay cả trước khi công ty mẹ Facebook bắt đầu chuyển sang phần cứng máy tính như tai nghe VR (thực tế ảo).
“Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi cho đến nay là iMessage”, Mark Zuckerberg cho biết trong một cuộc gọi thu nhập năm 2018.
Quảng cáo WhatsApp từ Meta Plaforms xuất hiện sau khi Google nhắm vào bong bóng màu xanh của iMessage trong một chiến dịch của riêng mình vào mùa hè. Google muốn Apple áp dụng RCS.
RCS là một nền tảng nhắn tin cải tiến trên Android, mang đến những chức năng được nâng cấp cho tin nhắn. Về cơ bản, RCS sẽ biến tin nhắn văn bản thành trải nghiệm trò chuyện đầy đủ hơn, tương tự như những gì mà Apple đang làm với iMessage. Điều khác biệt là RCS sẽ hoạt động trên nhiều smartphone, nhà cung cấp và hệ điều hành. RCS sẽ được tích hợp ngay trên ứng dụng tin nhắn của smartphone Android.
iMessage có sẵn cho iPhone, Mac và iPad. Những ai nhắn tin thường xuyên với người dùng smartphone Android nói rằng "bong bóng màu xanh lá cây", khi tin nhắn SMS xuất hiện trên iPhone, là một trải nghiệm kém sang hơn.
Tại Hội nghị Code 2022 của công ty truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia Vox Media ở thành phố Los Angeles (Mỹ) hồi tháng 9, Tim Cook – Giám đốc điều hành Apple loại bỏ ý tưởng hỗ trợ tin nhắn RCS để chấm dứt tình trạng tin nhắn màu xanh lá xảy ra khi người dùng iPhone nhắn tin cho ai đó xài smartphone Android.
Khi một phóng viên hỏi rằng Steve Jobs sẽ cảm thấy thế nào về việc sử dụng tiêu chuẩn RCS trong iMessage, Tim Cook đáp: “Tôi không nghe thấy người dùng yêu cầu chúng tôi nỗ lực làm vậy. Tôi sẽ rất muốn bạn chuyển sang dùng iPhone”.
Phóng viên này vẫn chưa “buông tha” cho Tim Cook khi phàn nàn rằng mẹ anh ta không thể xem được video anh gửi cho bà. Đó là vì giữa iMessage và RCS không liên thông. Hai hệ thống nhắn tin đều hỗ trợ gửi ảnh, video chất lượng cao qua internet, song nếu thử dùng smartphone Android gửi video sang cho iPhone và ngược lại thì sẽ không có kết quả.
Về vấn đề này, Tim Cook đưa ra giải pháp: “Mua iPhone cho mẹ bạn đi”.