Vì sao Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ khiến châu Âu 'buồn lòng'?

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:38, 01/12/2022

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự định nhân chuyến công du tới Washington tuần này bày tỏ lo ngại của châu Âu về gói trợ cấp năng lượng xanh của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Dù hoan nghênh cam kết chuyển đổi sang năng lượng xanh, nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn lo ngại Đạo luật giảm lạm phát (IRA) trị giá 430 tỉ USD sẽ đặt các công ty lục địa già vào thế bất lợi.

Lý do châu Âu "buồn lòng"

Theo IRA, chính quyền Tổng thống Biden sẽ giảm thuế cho linh kiện dùng trong công nghệ năng lượng tái tạo - chẳng hạn như xe điện - với điều kiện chúng được sản xuất ở Bắc Mỹ. EU xác định điều khoản này có khả năng vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố tuy trợ cấp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng là hành vi công bằng, chúng vẫn cần tuân thủ quy định WTO và nên có sân chơi bình đẳng.

Việc Washington giảm thuế khiến công ty châu Âu bất lợi trong cạnh tranh với đối thủ Mỹ. Quy định trợ cấp của EU không cho phép các nước thành viên ưu đãi thuế cho công ty đặt nhà máy tại nước họ như Mỹ.

Không chỉ EU, một đồng minh khác là Hàn Quốc cũng lo ngại nhiều hãng ô tô nước mình không đủ điều kiện hưởng giảm trừ thuế từ Mỹ.

Châu Âu muốn gì?

Do IRA đã ban hành nên khả năng Quốc hội Mỹ tiến hành sửa đổi đạo luật là không thể xảy ra, giới chức châu Âu đành hy vọng được hưởng miễn trừ như Canada, Mexico.

Ủy ban châu Âu (EC) cùng Nhà Trắng đã lập nhóm chuyên trách đàm phán, tuy vậy Tổng thống Macron vẫn muốn sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình để gây sức ép ở cấp cao nhất.

rgsv2gwykjn2dpgzbuez3jnkxi.jpg
Tổng thống Macron có nhiệm vụ lớn khi sang Washington - Ảnh: Reuters

EU hy vọng cuộc họp ngày 5.12 của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU - Mỹ (đơn vị thúc đẩy tham vấn giữa hai bên) sẽ cho ra một thỏa thuận.

Dù không ai muốn khơi lại căng thẳng thương mại vốn đã làm tổn thương mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhưng giới chức châu Âu không loại trừ khả năng đưa vấn đề lên WTO nếu đàm phán không đem lại kết quả. Phản ứng cứng rắn có thể vấp phải phản đối từ quốc gia thân thiện với thương mại tự do truyền thống như Hà Lan hay Thụy Điển.

Châu Âu có nên tung gói trợ cấp như Mỹ?

Pháp kêu gọi châu Âu phản ứng bằng cách tung ra đạo luật tương tự với trợ cấp lớn.

Tuy không lên tiếng ủng hộ khả năng ban hành chương trình trợ cấp, Đức lại bày tỏ quan tâm đến việc hỗ trợ công nghiệp lục địa già. Phó thủ tướng Robert Habeck - vừa gặp Tổng thống Macron tuần trước - thậm chí còn đề xuất EU đặt mục tiêu cho sản phẩm sản xuất trong khối.

Một số quan chức Đức chỉ ra quỹ phục hồi sau đại dịch của EU vẫn còn 200 tỉ euro, có thể được dùng để hỗ trợ công nghiệp.

Chính phủ các nước thành viên cũng có thể tập hợp nguồn lực hỗ trợ loạt dự án xuyên biên giới vì lợi ích chung của EU, nhưng để sáng kiến như vậy được EC chấp thuận là quá trình phức tạp tốn nhiều thời gian.

Cẩm Bình