Dư âm Tây Ban Nha thua Nhật: Nếu đây là chuyện “lùi một bước, tiến ba bước”
Thể thao - Ngày đăng : 08:42, 02/12/2022
83% và 17%. Đó là tỉ lệ kiểm soát bóng giữa Tây Ban Nha (TBN) và Nhật Bản. Gần như không thể chênh lệch hơn. Nhưng cuối cùng, người thắng là Nhật Bản chứ không phải TBN. Ngay hiệp 1, khi tôi xem TBN vẫn cách chơi bóng đan dệt từ dưới lên như thế, tôi đã hơi lo ngại
Vì thấy TBN chơi trận này “sao sao ấy”. Có vẻ không đúng phong độ của họ. Ai cũng biết, đan dệt trong lối chơi dùng những đường chuyền ngắn tạo cảm giác đẹp, nhưng đẹp chưa đồng nghĩa với hiệu quả. Nếu đối phương không bị ngợp trước lối chơi này, họ lại nghiên cứu kỹ lối chơi của anh, thì anh rất dễ bị họ bắt bài. Vì khả năng gây bất ngờ của lối chơi này là thấp. Nhưng nếu TBN cố ý thua trận này để tính đường xa hơn, thì sao? Cái này cứ nhìn cách đá thì biết. Nhưng nếu cứ chơi như trận gặp Nhật Bản này, thì TBN rất khó đi xa.
Có thể nói, mỗi đội bóng đều có “tạng chơi bóng” của mình, nhưng nếu cứ trung thành chỉ với một lối chơi, khả năng đi xa là khó. Kiểm soát bóng tới 83%, nhưng kiểm soát bóng chưa nói lên điều gì. Khi đối phương phòng ngự chặt nhiều lớp, lối chơi đan dệt rườm rà khó phát huy tác dụng, nhiều lúc lại gây nguy hiểm, vì chỉ cần anh chuyền sai một lần, đối phương cướp được bóng, dốc bóng lên với tốc độ kinh hồn, thì khung thành bị đe dọa là cái chắc. Nhật Bản đã áp dụng lối chơi khá cổ điển: phòng ngự chặt phản công nhanh. Và khi chưa ai kịp nghĩ, giữa hai lối chơi đối nghịch nhau này, lối chơi nào sẽ hơn, thì chỉ trong 6 phút đầu hiệp 2, Nhật Bản đã ghi liền 2 bàn thắng vào lưới TBN. Có thể bàn thắng thứ hai có gây một số băn khoăn về chuyện trái bóng đã lăn hết qua vạch vôi hay chưa, nhưng cái này công nghệ cao giải quyết tốt hơn mắt thường rất nhiều. Ta phải tin vậy thôi.
Điều tôi muốn nói ở đây, là nếu TBN từ trận thua (có thể chủ động), họ sẽ điều chỉnh lối chơi của mình thế nào để có thể gặt hái thành công khi vào vòng trong, đó mới là điều quan trọng đối với họ. Nhật Bản, bằng những pha dốc bóng tốc độ cao của mình, đã cho thấy những khoảng trống tự động lộ ra ở hàng phòng ngự TBN khi “tốc độ chậm” phải đối phó với “tốc độ cao”. Hai bàn thắng của Nhật Bản vào lưới TBN đều theo một kiểu giản dị như vậy. Nó nhắc cho đội bóng của HLV Enrique rằng sự giản dị thường hay có tiếng nói cuối cùng, chứ không phải sự phức tạp.
Đội Đức dĩ nhiên là “nạn nhân” của trận TBN thất bại này, nhưng họ cũng chỉ nên tự trách mình. Đã vào giải, thì mỗi người phải tự lo, không ai đỡ đần được cho ai đâu.
Tôi là người từng thích lối chơi của Barcelona. Nhưng qua thời gian, tôi lại thích những lối chơi mạo hiểm hơn, dám đánh cược hơn. Vì nó mang lại những hiệu quả bất ngờ khiến ta phải sửng sốt.
Nhật Bản đã ân cần nhắc TBN điều đó. Nếu đây không phải là một tính toán chiến lược của HLV, thì TBN vẫn phải chuẩn bị để có lối chơi sinh động hơn, dễ gây bất ngờ hơn. HLV Nhật Bản nói rằng, mục tiêu của ông là đưa đội bóng mình tới tứ kết, chứ không chỉ vào được vòng trong là “mừng hết lớn” rồi. Xem ra, bóng đá Nhật Bản bây giờ đã khác trước rất nhiều. Họ rất tự tin, có tầm nhìn xa, và tìm được cho mình lối chơi thích hợp. Hóa ra, cầu thủ Nhật Bản cũng có tốc độ rất cao khi dốc bóng phản công. Và kiểm soát được trái bóng khi ở tốc độ cao như vậy mới khó, chứ chuyền bóng đan dệt không khó bằng đâu.
Cũng có thể HLV TBN nghĩ khác. Trong bóng đá bây giờ, cách tính toán đường đi nước bước của mình là rất quan trọng. Điều đó không hề phạm luật. Nếu đây là chuyện “Lùi một bước để tiến ba bước” thì những người ngoài cuộc như chúng ta phải chịu thôi. Và những trận quyết định cho TBN, dĩ nhiên, đang ở phia trước.
Và chúng ta, những người xem bóng đá, chỉ có thể đoán (không mò), còn chắc tới đâu, đúng tới đâu thì phải xong giải mới biết.