'Công chúa Huawei' được Mỹ bác bỏ cáo buộc lừa đảo ngân hàng
Thế giới số - Ngày đăng : 09:34, 02/12/2022
Bà Mạnh Vãn Chu từng bị bắt giữ vào năm 2018 làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mạnh Vãn Chu đã đạt được thỏa thuận với các công tố viên vào tháng 9.2021 để các cáo buộc chống lại bà sẽ hủy bỏ vào ngày 1.12.2022, bốn năm kể từ ngày 'công chúa Huawei' bị bắt ở Canada theo lệnh của Mỹ.
“Không có thông tin về việc Giám đốc tài chính Huawei vi phạm thỏa thuận, chính phủ đề nghị hủy bỏ bản cáo trạng thay thế thứ ba trong trường hợp này với bị cáo Mạnh Vãn Chu", luật sư Carolyn Pokorny viết trong một bức thư ngày 1.12 gửi cho thẩm phán Ann Donnelly.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông mà Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, vẫn bị buộc tội trong vụ kiện đang chờ xử lý tại tòa án quận của Mỹ ở Brooklyn, thành phố New York. Ngày diễn ra phiên toà chưa được ấn định và cuộc họp trước khi xét xử dự kiến vào ngày 7.2.2023.
Động thái hôm 1.12 (đã được biết đến trước đó) khép lại một chương về giai đoạn đặc biệt căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, vốn cũng đẩy Canada vào giữa cuộc đụng độ rộng lớn hơn giữa hai siêu cường này.
Mạnh Vãn Chu bị buộc tội lừa đảo ngân hàng và các tội danh khác vì lừa dối HSBC về hoạt động kinh doanh của Huawei ở Iran và khiến ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Là một phần trong thỏa thuận với Mạnh Vãn Chu (thỏa thuận hoãn truy tố), bà thừa nhận đã đưa ra những tuyên bố sai lệch về hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran trong cuộc họp năm 2013 với một lãnh đạo ngân hàng HSBC.
Các cáo buộc chống lại Huawei gồm lừa đảo ngân hàng, phá vỡ lệnh trừng phạt cho đến âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty công nghệ Mỹ và cản trở công lý. Phía công ty Trung Quốc bác bỏ các các buộc.
Sau các cáo buộc này, Huawei đã bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại, hạn chế các nhà cung cấp của nước này kinh doanh với công ty Trung Quốc. Mỹ cũng tiến hành một chiến dịch toàn cầu chống lại Huawei, cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của công ty này để làm gián điệp.
Trong tuần này, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã thông qua các quy tắc cuối cùng cấm thiết bị viễn thông mới của Huawei.
Mạnh Vãn Chu là con gái của nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi. Bà hiện là Chủ tịch luân phiên và Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Huawei.
Cuối năm 2018, Mạnh Vãn Chu bị bắt ở thành phố Vancouver (Canada) theo yêu cầu của Mỹ và bị giam lỏng cho đến tháng 9.2021. Mạnh Vãn Chu được thả và bay về Trung Quốc từ Canada vào hôm 24.9.2021, ngày mà bà đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với Bộ Tư pháp Mỹ.
Hai người Canada bị bắt ở Trung Quốc ngay sau khi Mạnh Vãn Chu bị giam giữ đã được trả tự do và hai anh chị em người Mỹ bị ngăn cản rời khỏi Trung Quốc đã được phép bay về nước.
Luật sư của Mạnh Vãn Chu từ chối bình luận và người phát ngôn Huawei không trả lời ngay lập tức câu hỏi về chuyện trên.
Ngày 28.3, Mạnh Vãn Chu xuất hiện trước công chúng trong buổi công bố kết quả tài chính 2021 của Huawei. Mạnh Vãn Chu cho biết sau gần ba năm bị quản thúc, thế giới dường như đã thay đổi rất nhiều. "Trong những tháng qua, tôi đã cố gắng học hỏi mọi thứ để bắt kịp với cuộc sống", bà chia sẻ.
Năm 2021, doanh thu của Huawei giảm 29% xuống 636,8 tỉ nhân dân tệ (99,8 tỉ USD), nhưng lợi nhuận tăng 76% lên 113,7 tỉ nhân dân tệ (17,8 tỉ USD). Trong đó, mảng smartphone giảm một nửa doanh thu xuống còn 243,4 tỉ nhân dân tệ (38,1 tỉ USD) do các tác động từ lệnh cấm của Mỹ.
Theo Mạnh Vãn Chu, việc Mỹ áp đặt nhiều đợt trừng phạt đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của Huawei, đặc biệt là smartphone và máy tính. Ngoài ra, các vấn đề về nCoV cũng gây gián đoạn hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty.
Dù vậy, bà cho biết Huawei đã có nhiều thay đổi, trong đó có việc chuyển qua các mảng hoạt động cốt lõi khác như 5G, năng lượng tái tạo và các danh mục sản phẩm di động khác. Mạnh Vãn Chu cũng nhắc lại cam kết trong việc nghiên cứu phát triển, bất chấp những thách thức hiện có, đồng thời tin đó là yếu tố để "đảm bảo sự đổi mới lâu dài".
Đầu tháng 9, Mạnh Vãn Chu đã có bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng ở tỉnh Quý Châu, miền tây nam Trung Quốc. "Công chúa Huawei" nêu những khó khăn mà công ty phải đối mặt cũng như tài năng và sự chăm chỉ liên tục có thể giải quyết vấn đề như thế nào.
Bài phát biểu đầy động lực đó đã được gửi đến các học sinh tại trường trung học Duyun No 1, trường cũ của Mạnh Vãn Chu (50 tuổi) cũng như ông Nhậm Chính Phi (77 tuổi).
“Huawei đang bền bỉ và đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đó là một hành trình đầy những khúc quanh. Cốt lõi để giải quyết mọi vấn đề nằm ở tài năng và chúng tôi sẽ luôn tuân thủ thái độ cởi mở với tài năng”, Mạnh Vãn Chu cho biết thêm.
Mạnh Vãn Chu nói rằng công ty đã tiếp tục cung cấp các ưu đãi cho nhân viên và xây dựng các quán cà phê cùng thư viện trong khuôn viên của mình, đồng thời giải quyết các vấn đề khác nhau.
“Tương lai không được xây dựng từ sự tiết kiệm, mà được tạo ra thông qua đầu tư liên tục và làm việc chăm chỉ”, Mạnh Vãn Chu nhấn mạnh.
Thông điệp nâng cao tinh thần từ bà Mạnh Vãn Chu tương phản rõ rệt với bản ghi nhớ nội bộ bị rò rỉ của ông Nhậm Chính Phi, được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc trước đó. Thông điệp của Nhậm Chính Phi đã vẽ nên bức tranh ảm đạm về một thế giới đang suy thoái kinh tế, đồng thời kêu gọi nhân viên Huawei tập trung vào sự tồn vong của công ty và từ bỏ những suy nghĩ viển vông.
“10 năm tới sẽ là một giai đoạn đau đớn trong lịch sử, khi nền kinh tế thế giới đi vào suy thoái… Huawei cần từ chối bất kỳ dự báo quá lạc quan nào và biến sự tồn tại trở thành tín ngưỡng quan trọng nhất của mình trong ba năm tới”, ông Nhậm Chính Phi viết.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Nhậm Chính Phi nhắc nhở các nhân viên Huawei rằng công ty đang vượt qua một cuộc khủng hoảng kinh doanh. Eric Xu Zhijun, Chủ tịch luân phiên Huawei, cũng nhiều lần nói vào năm 2020 và 2021 rằng mục tiêu của công ty là tồn tại sau các lệnh trừng phạt của Mỹ, vốn cấm họ tiếp cận công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ, chẳng hạn như chip smartphone tiên tiến.
Huawei: Thu nhập ròng ba quý 2022 giảm 40% do không thể vực dậy mảng smartphone
Thu nhập ròng của Huawei giảm khoảng 40% trong ba quý đầu năm 2022 do không thể vực dậy hoạt động kinh doanh smartphone và chi rất nhiều cho nghiên cứu và phát triển.
Theo tính toán của trang Bloomberg, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) đã tạo ra 27,2 tỉ nhân dân tệ (3,8 tỉ USD) thu nhập ròng từ tháng 1 đến tháng 9.2022 với tỷ suất lợi nhuận là 6,1%. Điều này đánh dấu sự sụt giảm so với thu nhập ròng 46,5 tỉ nhân dân tệ trong ba quý cùng kỳ năm trước, khi Huawei báo cáo tỷ suất lợi nhuận hai con số.
Đây là sự sụt giảm mà người phát ngôn công ty cho là do đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cùng các lĩnh vực kinh doanh mới.
"Sự sụt giảm trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị của chúng tôi tiếp tục chậm lại và hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng CNTT-TT của chúng tôi duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục chiêu mộ những tài năng hàng đầu và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nâng khả năng cạnh tranh của sản phẩm lên một tầm cao mới", Chủ tịch luân phiên Huawei - Eric Xu nói.
Doanh thu trong quý 3/2022 của Huawei tăng 6% lên 144,2 tỉ nhân dân tệ, theo tính toán của Bloomberg. Nguyên nhân nhờ tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng CNTT-TT khi Huawei tìm được chỗ đứng sau các lệnh trừng phạt của Mỹ đánh gục mảng kinh doanh thiết bị cầm tay hùng mạnh một thời của họ.
Eric Xu cho biết hiệu suất phù hợp với dự báo của công ty.
Huawei công bố doanh thu 445,8 tỉ nhân dân tệ (62,03 tỉ USD) trong ba quý đầu năm 2022, ít hơn 10 tỉ nhân dân tệ so với cùng kỳ 2021.
Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen xuất khẩu vào năm 2019, cấm gã khổng lồ viễn thông mua linh kiện và công nghệ từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Động thái này gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh thiết bị cầm tay của Huawei, vốn chiếm 42% thị trường Trung Quốc vào năm 2019. Huawei đứng sau một chút về thị phần so với các đối thủ, gồm cả công ty con cũ Honor từng được bán lại vào năm 2020.
Hàng loạt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ bắt đầu dưới thời chính quyền Trump đã bóp chết hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei, vốn từng là động lực tăng trưởng chính cho nhóm tiêu dùng và nguồn doanh thu lớn nhất của họ. Trong số các hạn chế thương mại có lệnh cấm các hãng chip theo hợp đồng sản xuất chất bán dẫn do Huawei thiết kế, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh thiết kế chip của công ty con HiSilicon, vốn từng bắt kịp với đơn vị Silicon nội bộ của Apple.
2022 là một năm chuyển tiếp với Huawei khi thay đổi từ sự chú trọng trước đây vào thiết bị điện tử tiêu dùng. Huawei đã tăng doanh số các sản phẩm truyền thông không dây và trạm gốc, đồng thời cũng đang khám phá các cơ hội hợp tác với các công ty ô tô về các dịch vụ liên lạc và giải trí trong buồng lái cho ô tô.
Huawei thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh doanh khác ít phụ thuộc hơn vào công nghệ của Mỹ, gồm các thành phần xe hơi thông minh, hệ thống tiết kiệm năng lượng và dịch vụ đám mây.
9 tháng đầu năm 2022, chiếc xe Aito M5 mà Huawei hợp tác phát triển với Seres, xếp thứ 10 trong số tất cả các mẫu SUV chạy điện theo doanh số bán hàng tại Trung Quốc, theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc.