Tây Ban Nha tung tiền giải cứu đầm phá bị cạn khô do biến đổi khí hậu

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 17:14, 02/12/2022

Chính phủ Tây Ban Nha cam kết đầu tư 350 triệu euro vào vùng đầm phá Donana, nơi các nhà môi trường cho rằng đang “giãy chết” do sử dụng nước sai mục đích và do biến đổi khí hậu.
spain-donana-ap-2.jpeg
Đầm Donona khô hạn trơ đáy - Ảnh: AP

Số tiền đầu tư tương đương 368 triệu USD được Thủ tướng Pedro Sanchez công bố khi ông thăm Công viên quốc gia Donana hôm 1.12.

Chính phủ Tây Ban Nha nói số tiền này dùng để khắc phục tình hình môi trường công viên bị suy thoái. Các biện pháp để cứu công viên Donana sẽ gồm giảm khai thác nguồn nước ngầm và phục hồi nước bề mặt, theo tuyên bố của chính phủ.

Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) hoan nghênh quyết định của chính phủ Tây Ban Nha, nhưng đề nghị chính quyền địa phương hành động nhiều hơn để kiểm soát tình trạng khai thác nước ngầm trái phép, cần đóng cửa tất cả các nông trại dùng nước tưới tiêu trái phép ở khu vực quanh công viên Donana.

Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã trách Tây Ban Nha không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các vùng đầm phá trong công viên Donana, và chính phủ Tây Ban Nha đối mặt với việc bị phạt tiền nặng nếu không hành động để bảo vệ hệ sinh thái này.

spain-donana-ap-1.jpeg
Cột đo mực nước trong đầm Donona - Ảnh: AP

Đầm phá chết do biến đổi khí hậu

Công viên quốc gia Donana ở miền Nam Tây Ban Nha, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới và Khu dự trữ sinh quyển.

Công viên rộng 74.000ha, nằm trong một khu bảo tồn có sông Guadalquivir chảy qua ra Đại Tây Dương. Khu bảo tồn này được lập năm 1960, với nhiều đầm phá, là nơi trú đông của các loài chim nước và là chặng dừng chân của hàng triệu con chim khác di trú từ châu Phi đến miền bắc châu Âu.

Tuy nhiên, các đầm phá đã bị cạn khô do hạn hán kéo dài, cùng hàng chục năm làm nông ở một thành phố biển lân cận đã hút cạn tầng chứa nước của khu vực. Vùng quanh công viên có hàng nghìn giếng khoan trái phép để nhà nông tưới tiêu cây trồng, đa phần là trái việt quất được xuất khẩu đến khắp châu Âu.

Đầm phá Santa Olla trong công viên Donana được mệnh danh là “viên ngọc quý” của Tây Ban Nha, hiện bị cạn khô cũng một phần do biến đổi khí hậu gây ra hạn hán kéo dài suốt năm nay và nhiệt độ cao kỷ lục.

Nông nghiệp và du lịch cũng làm cạn tầng chứa nước nuôi dưỡng đầm Santa Olalla (còn được gọi là đầm nước ngọt Donana). Theo nhà sinh học Carmen Diaz, đầm này hiện chỉ là một vũng bùn nứt nẻ, không còn là nơi ở của cá, hồng hạc và diệc, tiếng gió rì rào trên cỏ thay thế âm thanh xáo động của loài chim di trú.

“Đầm này đang hấp hối. Việc trông thấy nó nay chỉ là một vũng nước khiến tôi nghĩ toàn bộ công viên bảo tồn này đang bị khô héo”, theo Diaz, nhà sinh học 66 tuổi của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha. Ông sợ hệ sinh thái mà ông đã nghiên cứu suốt 40 năm có thể sẽ biến mất mãi mãi. Diaz nói thêm: “Đầm Donana được gọi là viên ngọc quý của Tây Ban Nha vì là một công viên mang tính biểu tượng, và chúng tôi đang để nó biến mất”.  

Đầm Donana - là đầm lớn nhất trong nhóm nhỏ các đầm phá từng trữ nước quanh năm, cung cấp một khu sinh quyển mùa hè cho súc vật cùng các loài thực vật thủy sinh. Đây là “nhà” của 5 loài chim bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó có đại bàng hoàng đế Tây Ban Nha. Đầm còn có một trung tâm cứu hộ, nuôi dưỡng loài linh miêu Iberia.

8 cặp đại bàng hoàng gia trong khu bảo tồn được cho giao phối, nhưng chỉ sinh ra được 2 con vào năm 2022, theo Carlos Davila, một nhân viên của tổ chức bảo vệ môi trường SEO Birdlife và làm việc ở Công viên quốc gia Donana. Ông nói: “Đây là một năm tồi tệ cho loài đại bàng này”.

spain-donana-ap3.jpeg
Bộ xương ngựa chết trong đầm bị khô hạn - Ảnh: AP

Con người tàn phá tài nguyên tự nhiên

Công viên Donana gồm hai hệ sinh thái lớn, ngoài những đụn cát và cây cối rậm rạp, còn có những đầm lầy dọc sông Guadalquivir.

Ngày xưa, các thuyền chiến hoàng gia Tây Ban Nha từng chở bạc từ các thuộc địa Mỹ qua vùng đầm phá này trước khi trở về thành phố Seville.

Sau đó, các nhà khoa học và nhà bảo tồn từ khắp nơi trên thế giới tìm đến, nên công viên bảo tồn Donana là một ca nghiên cứu điển hình về việc loài người tàn phá các nguồn tài nguyên tự nhiên.

Khi tầng chứa nước của Donana được mưa tràn đầy, các đầm phá nổi lên trong vùng lõm giữa các đụn cát, tạo ra nơi trú ẩn cho rùa, ếch và các loài thực vật thủy sinh. Nhưng bây giờ, làng đánh cá cũ phát triển thành một khu nghỉ dưỡng ven biển với nhiều khách sạn, bể bơi và một sân golf nay đã hoang phế.

Nước ở Matalascanas đến từ các giếng đào xuống tầng chứa nước. Tòa án Hiến pháp châu Âu đã tuyên việc xây khu nghỉ dưỡng này là nguyên nhân gây khô hạn cho các đầm phá. Từ đó, chính phủ Tây Ban Nha đã phê duyệt một kế hoạch lấy nước từ một khu vực khác để cung cấp cho Matalascanas.

Nhà sinh học Diaz nói: “Lẽ ra phải có một giải pháp nào đó từ ít nhất 20 năm trước, nhưng không có gì cả. Môi trường ở đây luôn thua trước kinh tế. Nạn lớn nhất là việc đào giếng từ tầng chứa nước đã dẫn đến việc xây nhà cửa gần các đầm phá, tạo nên một sự tàn phá những đầm phá gần nhất vốn là những đầm tốt nhất do lớn nhất”.

spain-donana-ap4.jpeg
Khu nghỉ dưỡng biển sát khu bảo tồn Donona - Ảnh: AP

Khoan giếng trái phép lạm vào tầng chứa nước của khu bảo tồn

Cách Seville 2 tiếng đồng hồ lái xe về phía nam là tỉnh nông nghiệp Huelva, có khu bảo tồn Donana. Như các khu vực gần biển khác ở Tây Ban Nha, Huelva đã phát triển thành một vùng nông nghiệp lớn của châu Âu.

Dâu tây, việt quất, nhất là việt quất đen, đã được trồng thay thế cây ô liu, ngũ cốc và khoai tây, những loại nông sản từng được trồng phổ biến vào những năm 1980. Khách tiêu dùng châu Âu chịu chi tiền nhiều hơn để mua quả mọng, nhưng loại quả này cần nhiều nước tưới hơn là cây ô liu.

Vào năm 2004, chính quyền tỉnh quyết định chia đất nông nghiệp thành những khu vực đủ điều kiện tưới tiêu, và những khu vực chỉ có thể canh tác nhờ nước mưa.

Nhưng từ khi việc kinh doanh quả mọng bùng nổ, một số nhà nông có đất ngoài vùng được tưới tiêu đã chọn giải pháp khoan giếng. WWF cho biết có khoảng 1.000 đến 2.000 giếng khoan trái phép được dùng để tưới khoảng 2.0000ha trồng cây quả mọng bên ngoài khu bảo tồn”.

“Có lẽ 50% thiệt hại của khu bảo tồn là do hạn hán và thiếu mưa, nhưng 50% nguyên nhân khác là do sự thiếu quản lý trong khu vực, việc chia cắt các nhánh sông và khoan giếng trái phép”, theo Felipe Fuentelsaz của WWF.

Chính quyền tỉnh đã cố gắng đóng cửa hơn 400 giếng và mua lại một số đất nông nghiệp để loại bỏ cây trồng. Nhưng nhiều nhà nông lại đang thúc giục chính quyền tái phân loại đất của họ để có thể tái tiêu.

Một nhóm đại diện 1.500 nhà nông đã cảm thấy họ bị loại khỏi kế hoạch tưới tiêu hồi năm 2004. Người phát ngôn Julio Diaz nói nhiều gia đình có quyền sử dụng nước phải được dùng quyền này.

Chính phủ Tây Ban Nha có kế hoạch định tuyến lại nước từ các con sông nằm xa hơn đầm Donana, nhằm giảm áp lực lên tầng chứa nước. Nhóm của Diaz đòi nước phải đến với họ, nhưng các nông dân khác đã và đang sử dụng giếng hợp pháp trên những vùng đất được tuyên bố là có thể tưới tiêu, lại nói không thể thanh như thế.

Người phát ngôn Manuel Delgado của 300 nhà nông ở thị trấn Almonte nói nhóm ông tin rằng các tuyến dẫn nước mới nên được dẫn đến nhà của những nông dân đã có quyền sử dụng nước, để họ có thể ở gần các giếng đào hợp pháp và bảo vệ tầng chứa nước. Ông nói: “Nếu một lô đất mới được tuyên bố đủ điều kiện tưới tiêu, thì chúng tôi sẽ không thể thay thế các giếng hợp pháp bằng nước có trên bề mặt. Sẽ không có nước cho tất cả mọi người”.

Bảo Vĩnh