P.N Thường Đoan: Đi qua những ám ảnh khôn cùng
Văn hóa - Ngày đăng : 18:12, 02/12/2022
P.N Thường Đoan được công chúng biết đến như nhà thơ có nhiều tác phẩm được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc như Catinat, Cà phê sáng và Hư ảo (Phú Quang), Nhớ mẹ (An Thuyên), Có lẽ nào (Toàn Thắng), Không còn ai (Nguyễn Ngọc Thiện), Mơ hồ (Phan Khanh)…
Thường Đoan có duyên nợ với thơ từ hơn 30 năm nay. Hành trình sáng tạo nghệ thuật của chị đã làm nên dấu ấn rõ nét trong dòng chảy của thi ca hiện đại Việt Nam qua hàng loạt tập thơ như Lục bát cho khát vọng, Người đàn bà làm thơ và trăng, Đếm cát, Rũ người, Buổi sáng có nhiều chuyện kể.
Thế nhưng kể từ tập thơ Buổi sáng có nhiều chuyện kể được phát hành năm 2009 đến tháng 8.2022 chị không ra thêm bất cứ tập thơ nào.
Sau 13 năm, tháng 9.2022, nhà thơ P.N Thường Đoan đã ra mắt tập thơ thứ 6 có tựa Đất nước tôi màu xanh (NXB Đà Nẵng, 2022, tranh bìa của họa sĩ Dương Tuấn Kiệt) dày 101 trang, với 49 bài thơ được chia làm 2 phần: Phần một có tiểu đề Khi thành phố giãn cách gồm 12 bài thơ nói về sự tang thương của đại dịch COVID-19. Phần hai Ngoảnh lại nhìn sau để nhớ gồm 37 bài thơ với đề tài đất nước quê hương.
Giải thích lý do vì đâu có sự gián đoạn lâu như thế, nhà thơ P.N.Thường Đoan cho biết: “Mỗi người sáng tác có một quy định riêng. Với tôi, ngay tự ban đầu đã ấn định cho mình mốc thời gian để giới thiệu tác phẩm mới là 03 năm. Tuy nhiên, có những điều “người tính, không bằng trời tính”, lẽ ra tập thơ tiếp theo sau Buổi sáng có nhiều chuyện kể (2009) được ra mắt năm 2013, nhưng vào năm này, gia đình tôi gặp sự cố không vui, nên việc in ấn tác phẩm mới đành xếp lại”.
12 bài thơ ở phần Khi thành phố giãn cách là cảm nhận về nỗi đau, mất mát, về cái chết, phận người nhỏ bé... trong đại dịch COVID-19. 12 bài thơ là nỗi ám ảnh khủng khiếp khi chị sống trong tâm dịch ở Sài Gòn, trong đó đặc biệt là bài thơ Tử ca. “Nó sẽ mãi mãi ám ảnh tôi. Mỗi ngày tôi đón nhận những tin dữ, tin không vui, như người bạn ở Hà Nội đang sốt cao mà trong nhà không có ai ở chung ngoài một con chó và một con chim. Như vợ chồng người bạn văn cùng chết, như ba mẹ người đồng nghiệp làm báo cùng chết, như một bạn văn già nổi tiếng chết, như hai người bạn là nghệ sĩ nhiếp ảnh chết, chết nhiều quá…
Bài Tử ca được tôi viết sau đêm TP.HCM tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 vào lúc 20 giờ ngày 19.11.2021 tại Hội trường Thống Nhất, khi chương trình chiếu một số hình ảnh, phóng sự về TP.HCM qua Cuộc chiến sinh tử với đại dịch COVID-19. Đứng trong đêm lạnh buốt, tiếng nhạc và tiếng kèn, tiếng khóc, những bóng lá lay lắt, cứ như có bước ai đang nhẹ về…, ám ảnh lắm. Ở giai đoạn hậu COVID nhiều nhà văn, nhà thơ xuất bản những tác phẩm về đề tài này, tôi thì không, 12 bài thơ là 12 trang nhật ký ghi lại tháng ngày buồn bã, nhắc nhớ về một cuộc chia ly không ai nghĩ có thể xảy ra” – Nhà thơ Thường Đoan chia sẻ.
Ở phần hai của tập thơ với tiểu đề Ngoảnh lại nhìn sau để nhớ của P.N Thường Đoan là bóng dáng của chiến tranh trong quá khứ trong hình hài đất nước hôm nay. Thơ của chị nhắc nhớ những ngày tháng bi hùng của đất nước, những trận chiến Tết Mậu Thân ở Sài Gòn, tội ác của quân Khmer Đỏ… khiến cho người đọc ngạc nhiên vì xưa nay tên tuổi của Thường Đoan thường gắn liền với đề tài tình yêu.
Giải thích về sự chuyển đổi đề tài trong sáng tác, nữ nhà thơ nói: “Tôi giữ nhiều kỷ niệm trong những chuyến đi. Những chuyến đi được tổ chức từ trại viết thực tế. Như năm 2017, tôi tham gia Trại sáng tác văn học đề tài “50 năm Tết Mậu Thân” do Hội Nhà Văn TP.HCM tổ chức , điểm đến là Mã Đà - chiếc nôi của Chiến khu D - thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - một trong những căn cứ cách mạng quan trọng bậc nhất của miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến đây tôi mới biết Suối Nứa, suối Linh, biết thế nào là mộ gió...
Đó là mộ của những con người còn rất trẻ vì tuổi thanh xuân của họ mãi mãi dừng lại ở đây - giữa những cánh rừng bạt ngàn lá non xanh mượt. Con trai thì làm rể của rừng, con gái thành dâu của rừng lấy rừng thành nơi nương nấu, quấn quýt, gắn bó không rời nữa. Nghĩa trang Mã Đà buồn, cũng như nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo buồn, những ngôi mộ gió đều giống nhau. Ở rừng Mã Đà rất nhiều đom đóm, rất nhiều ve, tôi tự hỏi mình, có phải là họ đấy chăng? Đom đóm xanh lập lòe soi đường tìm ngõ về? Tiếng ve kia có phải lời than khóc? Mất mát là đau khổ. Không ai muốn điều này xảy ra với mình.
Tôi đi dự trại viết ở An Giang, do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, tôi ghé Tri Tôn, Ba Chúc, nghe kể lại việc thảm sát người việc của Khmer đỏ mà đau. Tôi theo tour Về Nguồn, biết thêm những ngôi nhà không có giàn hoa ở Sài gòn trước năm 1975 chứa đầy súng và đạn cho một cuộc tiến công Mậu Thân tan thương, những nhân chứng mắt đã mờ, tai đã lễnh lãng, nhưng họ vẫn không quên gương mặt người đã hẹn sẽ trở về...”
Thế nhưng điều ngạc nhiên là bài thơ có tựa Đất nước tôi màu xanh được nhà thơ Thường Đoan lấy làm chủ đề chung cho tập thơ không có mặt trong tập thơ mới nhất của chị. Tác giả từ chối không cho biết lý do nên người viết cũng tôn trọng ý kiến của nhà thơ không cố tìm hiểu thêm.
Trong tuyển tập thơ mới nhất của mình, 49 bài thơ của P.N Thường Đoan không có bài nào viết về tình yêu đôi lứa... Đó cũng là cách để chị trả lời cho thắc mắc lâu nay của công chúng quan tâm đến những người nữ làm thơ: Rằng tình yêu không phải là đề tài duy nhất để họ bám vào đó mà khai thác.