Chuyên gia nói về tình trạng ô nhiễm, cá chết ở hồ Tây

Góc bình luận - Ngày đăng : 12:00, 03/12/2022

Coi các thông tin và ảnh về tình trạng cá chết trắng gây hôi thối ô nhiễm hồ Tây mà đau buồn. Đã định không viết gì nhưng hôm nay có dịp về Hà Nội dạo thăm thắng cảnh hồ Tây nên tôi lại phải viết vài câu bởi không thể đừng được.

Chả là tôi được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều từ Tây Nguyên ra Thủ đô công tác tại Ban nghiên cứu của thủ tướng, rồi làm Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tôi đã làm tất cả công việc, từ việc nắm bắt tình hình thực tế của khu 8 năm trước, tới tìm các thông tin và đi thăm những khu công nghệ cao của một số quốc gia thành công trong lĩnh vực này, lập quy hoạch chi tiết, kế hoạch giải phóng mặt bằng, xây dựng đề nghị chính sách và thiết kế các công trình hạ tầng trong khu…

Có một công việc mới và khác lạ mà tôi tâm huyết là xây dựng Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao của Hòa Lạc.

Tôi đã khá thành công là kêu gọi và đưa vào trung tâm kể từ 2007 mỗi năm hàng chục nhóm nghiên cứu có ý tưởng, có công nghệ, vào đây ươm tạo 3 năm thành doanh nghiệp công nghệ cao. Có lẽ hàng trăm doanh nghiệp đã ra đời và nhiều trong số doanh nghiệp ấy đã thành công thành danh. Trong các nhóm ươm tạo năm 2007 tôi trực tiếp tham gia với TS Nguyễn Phú Tuân (có biệt danh Tuân chuột), kỹ sư Nguyễn Văn Hùng, chúng tôi đã thành công với công nghệ LTH chế phẩm sinh hóa tạo ra LTH 888 và LTH 999 để làm sạch hồ nước các thủy vực. Chúng tôi cũng tạo ra máy bơm điện hoạt hóa nước Water Platma gần với nước từ (tạo ra nước có ôxy hóa trị 3, 5, 7…), cũng như các bè thực vật thủy sinh như thủy trúc, dong riềng cạn hoa vàng, rau má Nhật thả nổi mà mọi người vẫn thấy.

Thử nghiệm thực tế rất gian truân đầu tiên tại hồ Văn khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 2008. Nhiều tranh cãi và cuối cùng là sự đồng tình. Chúng tôi làm ở nhiều nơi nhiều tỉnh thành nhưng nhiều nhất là Thủ đô hơn 10 công trình, các hồ: Ngọc Khánh, Xã Đàn, Kiêu Kỵ, Chùa Thày, Đền Lý Bát Đế…, rồi cả hồ Thạc Gián ở Đà Nẵng, sông Chùa Cầu ở TP.Hội An…

Trở lại vấn đề ô nhiễm hồ Tây, cá chết. Theo tôi có nhiều nguyên nhân: Trước hết do hồ rộng ở một thành phố đông dân với lượng nước thải thải sinh hoạt vô cùng lớn, ngoài ra ý thức và văn hóa môi trường chưa tốt... đã làm hồ ô nhiễm; trong đó nước thải sinh hoạt chưa được tách và xử lý triệt để trước khi đổ vào hồ hằng ngày hàng vạn khối là nguyên nhân chính.

cachetohotay.jpg
Thời gian gần đây, cá chết liên tục ở hồ Tây

Tảo lam tảo lục tạo màu xanh hồ và rong rêu nhiệt đới sinh trưởng và phát triển hằng ngày, nhất là vào mùa nắng nóng đã lấy oxy, thải CO2 và sau khi chết tạo ra lượng protein rất lớn trong hồ. Hiện tượng "phù dưỡng do tảo" là nguyên nhân lớn gây ô nhiễm. Các xác tảo và thực vật tại hồ gây ô nhiễm nước, thành lớp thảm mục đáy hồ luôn tạo ra khí mê tan ở tầng đáy và thoát lên mặt hồ, rồi tỏa vào không khí…

Có người cho rằng mật độ cá ở hồ Tây đậm đặc quá cũng là nguyên nhân gây cá chết, theo tôi nhận xét ấy không thỏa đáng, không đúng. Hồ Tây không quá dày mật độ cá tôm để tạo ra ô nhiễm, chưa tới mức cá tôm, sinh vật nước hút hết oxy và thải ra nhiều CO2, cũng như chất thải khác.

Còn một số nguyên nhân nữa do thiên nhiên, như khí hậu, thời tiết; sự lưu thông, thau rửa và luân chuyển nước cho hồ. Có nguyên nhân chủ quan là công tác quản lý xử lý thường xuyên tại hồ chưa tốt. Tôi và một nhóm nghiên cứu vào năm 2010 đã trực tiếp xử lý toàn bộ nước hồ Trúc Bạch, và nước sạch tới bây giờ (12 năm nay). Chúng tôi đã có dịp trình bày với lãnh đạo TP.Hà Nội về đề án xử lý nước hồ Tây, nhưng đến nay vẫn không được trả lời.

Công nghệ RED-OXY 3 của Đức đã thắng thầu rồi sau đó thành vụ án lớn, thực chất là chất tạo lắng: tạo ra sự hấp thụ các hạt nặng chìm xuống đáy khiến nước hồ nước sông trong được một thời gian (công nghệ này, các nhóm ở Viện Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã làm)…

Tôi đề xuất:

- Trước hết, nên nghiên cứu nghiêm túc và đầu tư dự án lớn: Nối sông Hồng với hồ Tây và nối hồ Tây với sông Tô Lịch bằng hệ thống ngầm (hoặc nổi) mà cảm quan không thấy để tạo sự lưu thông từ nguồn nước sông Hồng cho hồ Tây và sông Tô Lịch để cả ba đều "sống", đều sạch. Tất nhiên sẽ rất tốn kém và cũng khó thi công, nhưng tôi thiển nghĩ là rất khả thi về mọi phương diện.

- Quy hoạch, thiết kế và thi công sớm các hệ thống thu gom nước thải quanh hồ Tây và xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn nước A hay chí ít là nước B trước khi cho chảy vào hồ.

- Dùng các công nghệ hóa sinh tổng hợp như đã áp dụng thành công, bằng cách huy động các nhà khoa học, các viện, trường, và hợp tác quốc tế nhất là với Nhật Bản như nhóm đã thử nghiệm ở sông Tô Lịch vài năm trước rồi bị bỏ dở. Dùng nguồn vật liệu phong phú như cát hàm lượng silic cao, bọt núi lửa từ Tây Nguyên, hệ thống bơm hoạt hóa Water Platma, bè nổi thủy trúc và các loại thực vật có khả năng làm sạch nước…

- Dứt khoát phải tiến hành thường xuyên nâng cao dân trí, ý thức giữ gìn bảo vệ hồ Tây của người dân và du khách; khuyến khích các hoạt động công ích bảo vệ hồ; xử phạt thật nghiêm những vi phạm.

- Phun các chế phẩm sinh hóa để làm giảm mật độ tảo lam, giảm sự phát triển quá mạnh tạo mật độ dày đặc của tảo lam trong nước hồ, để tăng lượng oxy, giảm CO2 trong nước, làm mất khả năng tạo ra phù dưỡng của nước hồ Tây do tảo sinh trưởng phát triển. Đây cũng là giải pháp rất hữu hiệu.

- Và điều cực kỳ quan trọng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội, vì một hồ Tây, vì một Thủ đô xanh - sạch - đẹp.

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk

TS Nguyễn Văn Lạng