Hạn hán kéo dài ở Peru, đầm phá Cconchaccota cạn khô khiến người dân khốn khổ

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 14:38, 03/12/2022

Đầm phá Cconchaccota ở độ cao 4.100 mét so với mực nước biển hiện đang phải chịu đựng hạn hán kéo dài, nhà nông phải chật vật đối phó hoàn cảnh khó khăn.

Lẽ ra mùa mưa ở khu vực này phải bắt đầu từ tháng 9, nhưng vùng Apurimac (Peru) đang trải qua giai đoạn khô hạn nhất trong gần nửa thế kỷ qua, ảnh hưởng đến 3.000 cộng đồng dân cư ở miền trung và phía nam dãy Andes.

Việc không mưa ở khu vực này là hậu quả của hiện tượng La Nina kéo dài đến năm 2022 - năm thứ ba liên tiếp, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO, thuộc Liên Hợp Quốc). Tình trạng hạn hán cũng xảy ra ở nhiều vùng thuộc Bolivia, Paraguay và Argentina.

peru-han-han-ap-1.jpeg
Đầm phá Cconchaccota bị cạn khô - Ảnh: AP

Nhà khoa học thời tiết Yuri Escajadillo, thuộc Cơ quan Khí tượng và Thủy văn Peru, cho biết một chỉ số đo hạn hán đã xếp hạng khu vực là “cực kỳ khô hạn”.

Mới đây, có một cơn mưa nhẹ, là cơn mưa thứ hai trong gần 8 tháng qua - khiến người dân trong vùng phải vội dùng xô, chậu để hứng nước mưa. Trận mưa này chỉ xua tan lớp bụi và sáng hôm sau thì ánh nắng mặt trời làm bốc hơi nhanh chóng sự ẩm ướt ít ỏi.

Từ căn nhà trong vùng phía nam dãy núi Andes nắng chói, Vilma Huamaní có thể trông thấy phá Cconchaccota nhỏ nhắn, nơi từng có nguồn cá hồi dồi dào, nguồn nước cho đàn cừu, nơi trẻ con bơi lội và thật đẹp khi có đàn chim hồng hạc bay lên. Nhưng giờ đây, hình ảnh Huamaní trông thấy chỉ là một mảnh đất khô cằn, nứt nẻ, đầy cỏ úa. Cô nói: “Phá này giờ hoàn toàn bị khô cạn”.

Vì không thể tìm ra nguồn cỏ úa, cừu chết hàng loạt hoặc yếu đến độ không thể đứng vững. Khoai tây là nguồn nông sản duy nhất trong làng của Huamaní, nhưng việc trồng trọt này đã phải gác lại, khiến có nỗi lo sẽ thiếu lương thực trong vài tháng tới vì dân làng đã phải dùng đến nguồn khoai tây để dành.

peru-han-han-ap-5.jpeg
Người dân Cconchaccota thu hoạch khoai tây - Ảnh: AP

“Mỗi ngày, tôi đều hy vọng sẽ có mưa để cỏ mọc và trồng được khoai”, đó là lời nguyện của Huamaní, một phụ nữ 38 tuổi dẫn 4 đứa con từ thủ đô Lima của Peru về Cconchaccota hồi năm 2020 để tránh dịch COVID-19.

Tại Cconchaccota không có nguồn nước uống, cống thải hoặc dịch vụ điện thoại. Người dân uống nước lấy từ một con suối - đôi khi cũng cạn kiệt. Họ cho biết đã "cầu cứu" chính quyền địa phương nhưng không có câu trả lời suốt hai tháng qua.

Vì thế, nhà nông trẻ Grisaldo Challanca dùng điện thoại di động để quay video và chuẩn bị một báo cáo về cơn hạn hán. Sau khi leo lên khu vực có độ cao 4.500 mét so với mực nước biển, anh mới có sóng internet để tải báo cáo lên tài khoản Facebook của mình.

Mãi đến đầu tháng 12, chính quyền địa phương mới hồi âm, đó là những bao cỏ khô và yến mạch để nuôi sống đàn cừu, bò, lạc đà Alpaca và lạc đà không bướu. “Lũ gia súc này gầy trơ xương”, theo lời kể của John Franklin Challanca, một chú bé căn cừu 12 tuổi và gia đình em đã bị mất 50 con cừu.

peru-han-han-ap-2.jpeg
Hai cô bé vác con cừu chết - Ảnh: AP

Vùng núi Andes là một trong những khu vực nhạy cảm nhất thế giới đối với sự biến đổi khí hậu vì hạn hán, bão nhiệt đới, mưa to và lũ lụt, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc.

Báo cáo viết: “Việc Trái đất nóng lên khiến sông băng trên dãy Andes tan chảy từ 30% lên hơn 50% kể từ những năm 1980. Sông băng tan chảy, nhiệt độ tăng, lượng mưa cùng sự thay đổi trong việc sử dụng đất đã tác động đến các hệ sinh thái, nguồn nước và gia súc thông qua các vụ trượt đất và thiên tai lũ lụt”. Báo cáo cho biết xem ra lượng mưa mùa hè đã giảm thấp ở phía nam dãy Andes.

Những nhà nông nhỏ lẻ ở nhiều vùng trong dãy Andes thuộc Peru và Bolivia đều cầu mưa, ngay bên hồ Titicaca nằm giữa hai nước, và trên các ngọn núi là nơi mà các cộng đồng bản địa thờ cúng các vị thần. Trong nhà thờ duy nhất ở phá Cconchaccota, Rossy Challanca nói hạn hán là sự trừng phạt “các tội lỗi của loài người” và là dấu hiệu sắp xảy ra tận thế.

Nhưng đối với các nhà khoa học thời tiết, phá Cconchaccota bị cạn khô vì sâu chưa quá 1 mét, lệ thuộc rất nhiều vào lượng mưa và bị bức xạ mặt trời mạnh.

Wilson Suarez, giáo sư khoa thủy văn vùng núi và băng hà học ở Đại học Nông nghiệp Quốc gia La Molina (Peru) nói rằng, các yếu tố trên là “ly cocktail lý tưởng” để các vùng đầm phá ở vùng cao dãy Andes bị khô cạn. Ông kết luận rằng người dân lâu nay dựa vào các đầm phá để có nguồn nước cho gia súc phải biết “không dễ đối phó sự hạn hán và khí hậu đã thay đổi”.

Bảo Vĩnh