Nhật Bản, Hàn Quốc lấy thể diện cho bóng đá châu Á?
Thể thao - Ngày đăng : 07:20, 05/12/2022
Với không ít người theo dõi World Cup hay Euro, đôi khi họ chỉ thật sự quan tâm giải đấu ở vòng knock-out. Bởi lẽ tại vòng bảng vẫn còn những đội bóng mang thân phận lót đường, đến dự giải là thành công, chưa kể đến những toan tính đá không hết sức rồi các trận cầu thủ tục.
Trong khi đó, các trận ở vòng knock-out mới thật sự là “chân ái” của bóng đá khi không có chuyện đá cầm chừng hay khoan nhượng.
Thế nhưng sau 4 trận đầu tiên của vòng knock-out, lại cảm giác một điều nghịch lý là xem vòng bảng còn thấy hấp dẫn hơn.
Tại World Cup 2022, có những trận vòng bảng đầy kịch tính như Ả Rập Saudi thắng Argentina, Nhật thắng Đức ở lượt đầu, Ma Rốc thắng Bỉ ở lượt thứ hai. Đặc biệt ở lượt thứ 3 thì có nhiều kịch bản khiến khán giả hồi hộp, chuyển kênh liên tục khi chứng kiến cách Nhật và Hàn Quốc chờ đến giây bù giờ cuối cùng để kiếm vé đi tiếp.
Còn tại 4 trận đầu tiên của vòng knock-out, một nửa chặng đường của vòng 16 đội không để lại cho chúng ta cảm giác hồi hộp gay cấn đó. Sự chênh lệch đẳng cấp khiến các trận trở nên vô cùng dễ đoán và đi theo lối mòn: đội đầu bảng thắng đội nhì bảng, đội cửa trên thắng đội cửa dưới. Không có bất ngờ, bóng đá mất hẳn sức cuốn hút, hấp dẫn.
Trận Hà Lan – Mỹ, cho dù Mỹ bất bại tại vòng bảng nhưng thua Hà Lan 1-3 mà trong cả trận chưa khi nào người ta có cảm giác Mỹ lật được tình thế. Argentina gặp Úc cũng tương tự khi đội bóng Chuột túi vui vẻ làm nền trong thất bại 1-2 trước đội bóng của Leo Messi.
Và 2 trận rạng sáng qua, khán giả cũng tiết kiệm được thời gian và sức khỏe khi không cần chứng kiến thêm thời gian hiệp phụ.
Ba Lan không hề tạo ra được bất ngờ nào trước Pháp. Ba Lan giành vé tại vòng bảng gian khó bao nhiêu thì lại bị loại dễ dàng trước Pháp bấy nhiêu. Cả 3 trận vòng bảng, Ba Lan chỉ 2 lần thủng lưới nhưng chỉ trong 90 phút đá với Pháp mà họ đã thủng lưới 3 bàn và chấp nhận thua 1-3 với bàn danh dự của Robert Lewandowski ở giây cuối.
Senegal chơi khá tốt tại vòng bảng khiến người tay hy vọng nền tảng thể lực dồi dào giúp đội bóng châu Phi có thể gây khó dễ cho tuyển Anh. Rốt cuộc, đội bóng vô địch châu Phi lại thua Anh dễ dàng 0-3.
Giờ chúng ta chỉ biết hy vọng các trận còn lại của vòng 16 đội sẽ hấp dẫn hơn khi có những trận mà ranh giới giữa đội nhất và nhì bảng không còn bị cách biệt như các bảng A, B, C, D nữa.
Chẳng hạn việc Nhật xếp nhất bảng E được cho là sản phẩm từ việc Tây Ban Nha chủ động thua trận để loại Đức và đi nhánh đường dễ hơn. Nhật sẽ gặp Croatia – đội nhì bảng F nhưng ở cặp đấu này thì Nhật cũng không được đánh giá cao hơn khi Croatia bất bại vòng bảng. Đây là lúc để người ta xem hàng tiền vệ được ca ngợi chơi khoa học và kỷ luật của Nhật đối đầu với tiền vệ số 10 hay nhất thế giới đương đại Luka Modric.
Rồi trận Brazil gặp Hàn Quốc cũng đáng xem khi chúng ta muốn thấy Brazil muốn lấy lại thể diện sau khi để thua Cameroon ra sao trước Hàn Quốc. Liệu Hàn Quốc sau khi trở về từ cõi chết nhờ thắng “Brazil châu Âu” - tức Bồ Đào Nha – có thể tạo ra kỳ tích gì trước Brazil “gốc”!
Sau 20 năm, lần đầu trong 1 đêm, người hâm mộ được chứng kiến 2 đội châu Á thi đấu trận knock-out. Ngày 18.6.2002, Nhật và Hàn cũng thi đấu vòng 16 đội tại World Cup 2002 mà sau đó Nhật thua Thổ Nhĩ Kỳ còn Hàn Quốc thắng Italia 2-1 trong một trận gây tranh cãi.
Liệu đêm nay, châu Á còn đại diện nào bước vào tứ kết? Bị loại cả hai hay biết đâu sẽ lần đầu tiên có một trận knock-out tại World Cup giữa hai đại diện châu Á.
Thật đáng chờ.
Đó là lý do vì sao với tôi thì từ tối nay, các trận knock-out mới thật sự hấp dẫn. Đặc biệt, chúng ta, những người châu Á trông chờ bóng đá châu Á lên tiếng!