Nhật Bản, Hàn Quốc cùng thua và câu chuyện "bức tường đẳng cấp"

Thể thao - Ngày đăng : 06:56, 06/12/2022

Áp lực từ ngưỡng cửa lịch sử khiến các cầu thủ Nhật không còn là chính mình và không thể lọt vào tứ kết. Đây là lần thứ 4 Nhật lọt vào vòng 16 đội và đều thua.

Đúng như trong phân tích ở bài viết hôm qua, trận Nhật - Croatia trở thành cặp đấu cân bằng nhất kể từ khi đá vòng knock-out. Khán giả lần đầu tiên chứng kiến cảnh hai đội phải thi đấu tăng ca đua sức chứ không phải xem một trận đấu có cục diện an bài như 4 cặp đấu trước đó. Thậm chí Nhật còn gây tiếc nuối khi họ tạo ra thế trận áp đảo với số lần phát động tấn công lớn hơn, ghi bàn thắng trước.

Khi hai đội phải đá tăng ca 2 hiệp phụ, chúng ta ngạc nhiên khi thấy các cầu thủ châu Á vẫn chạy khắp mặt sân, đẩy cao đội hình, tỏ rõ ý chí muốn thắng trong lúc bóng sống chứ không phải chờ đấu súng. Ngược lại, Croatia mệt mỏi thấy rõ. Việc phải đối phó với lối chơi cơ động của Nhật khiến các bộ vi xử lý trung tâm của Croatia là Luka Modric và Mateo Kovacic sớm quá tải, cạn pin rồi phải thay ra giữa chừng.

Thế nhưng, Nhật lại không thể hiện được bản lĩnh và sự khoa học chính xác đó khi đá luân lưu. Các cú sút của Nhật đều lộ, dễ bị bắt bài nên họ để thủ môn Croatia cản phá 3/4 quả. Trong khi đó, các cầu thủ Croatia dù không còn hai ông hoàng đá phạt đền Modric và Kovacic vẫn thực hiện rất trơn tru. Ngay cả cú sút hỏng duy nhất của Mario Livaja cũng là bị cột dọc từ chối chứ không phải sút ẩu.

Nhật Bản đá luân lưu như đội nghiệp dư, chưa tập luyện bao giờ dù thực tế không phải vậy. Đến chúng ta còn nghĩ được kịch bản Nhật và Croatia phải đấu súng để giải quyết trận đấu thì thầy trò Hajime Moriyasu cũng nghĩ ra thôi. Chắc chắn Nhật đã luyện tập rất nhiều nhưng những bài tập, số liệu phân tích đối thủ trước trận đều chẳng giúp gì khi bước vào lúc cân não thực sự.

Áp lực từ ngưỡng cửa lịch sử khiến các cầu thủ Nhật không còn là chính mình và không thể lọt vào tứ kết. Đây là lần thứ 4 Nhật lọt vào vòng 16 đội và đều thua. Năm 2002, Nhật thua 0-1 trên sân nhà trước Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2010, Nhật thua Paraguay cũng trong loạt luân lưu sau khi hòa 0-0 sau 120 phút. Năm 2018, Nhật thua ngược Bỉ 2-3 với 3 bàn thua trong hơn 20 phút cuối. Và giờ là thua dù dẫn trước Croatia.

Thậm chí, trận thua Paraguay cách đây 12 năm trên chấm 11 mét, Nhật còn chơi tốt hơn khi sút thành công 3/4 lần thực hiện nhưng Paraguay lại tỉnh táo với 5 lần sút thành công tuyệt đối.

Làm thế nào để Nhật có thể rèn giũa bản lĩnh khi đá luân lưu? Sẽ cần thêm những bài học như thế để họ không còn run chân trước áp lực. Không phải ngẫu nhiên mà Croatia đá tốt như vậy vì đừng quên tại World Cup 4 năm trước, họ đã loại Đan Mạch và chủ nhà Nga đều bằng đá luân lưu. Do vậy, khi đưa Nhật đến loạt đá 11 mét thì họ tự tin như thể nắm chắc phần thắng vậy.

Còn với Hàn Quốc, bức tường đẳng cấp Brazil đơn giản là quá cao. Hàn Quốc lại để thủng lưới khá sớm giúp Brazil giải phóng sự hưng phấn. Brazil sau đó thi đấu theo kiểu biểu diễn nhưng cũng dễ dàng ghi 4 bàn trong hiệp 1. Nếu Brazil thực sự muốn ghi thêm bàn trong hiệp 2 thì có lẽ tỷ số không chỉ là 4-1.

Sau thành công tại World Cup 2002 thì Hàn Quốc cũng không thể một lần nào nữa lọt vào tứ kết một kỳ World Cup. Năm 2010, Hàn Quốc cũng dừng ở vòng 16 đội khi để thua Uruguay 1-2.

World Cup 2022 đã khép lại với bóng đá châu Á khi họ không thể vượt qua bức tường tại vòng 16 đội. Nhưng những lần ngã như vậy, ngã rất đau mới có thể giúp lần sau trèo tốt hơn.

Giờ là lúc người hâm mộ Việt Nam thôi buồn cho Nhật Bản và Hàn Quốc mà chuẩn bị cho việc đối đầu với Nhật, Hàn để kiếm vé dự World Cup 2026. Nhật Bản và Hàn Quốc chính là "bức tường đẳng cấp" mà Việt Nam sẽ đối diện.

Đặng Hoàng