Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất gỗ hàng đầu thế giới
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:01, 06/12/2022
Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có năng lực sản xuất và chế biến gỗ tương đối cao với mạng lưới nhiều doanh nghiệp (trên 7.000 doanh nghiệp ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ), làng nghề (340 làng nghề) và có lực lượng lao động đông đảo với chi phí lao động thấp.
Ngoài ra, bên cạnh lợi thế từ các FTA, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự dịch chuyển sản xuất và tăng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua do hàng Việt Nam có lợi hơn về thuế nhập khẩu sang Mỹ mà thị trường Mỹ và Canada gắn kết chặt chẽ với nhau.
Việt Nam được đánh giá có thể sẽ trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn hàng đầu thế giới trong 10-15 năm tới.
Theo Bộ Công Thương, điểm hạn chế hiện nay của ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu nguồn lực đã qua đào tạo; doanh nghiệp yếu về khâu thiết kế dẫn đến mẫu mã sản phẩm khó cạnh tranh, còn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ; công tác quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin, marketing của doanh nghiệp trong nước còn kém; phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện theo đơn đặt hàng, chưa có hệ thống phân phối ra thị trường để khai thác giá trị thương mại của sản phẩm; và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, trong đó, nguồn không thuộc các nước trong khối CPTPP hoặc đến từ những khu vực có rủi ro pháp lý cao.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu trung bình mặt hàng nội thất bằng gỗ của thế giới đạt 68,4 tỉ USD với mức tăng trưởng 2,7% mỗi năm. Trong đó, EU chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38,1% (tương đương 26,8 tỉ USD). Tiếp theo là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 27,3% trong năm 2020. Việt Nam đứng thứ ba với tỷ trọng đạt 14,5% trong năm 2020. Đáng lưu ý, tỷ trọng này đã tăng gấp 3 lần so mức mức 5,8% của năm 2015. Xét về tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước các tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới trong giai đoạn 2015-2020.
Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của Việt Nam là 25,4%, cao gấp 9 lần so với mức bình quân của thế giới là 2,7%, và cao hơn đáng kể só với các nước xuất khẩu lớn như EU (2,8%), Trung Quốc (2,5%)…
Dịch COVID-19 đang tác động toàn diện đến thói quen tiêu dùng và cơ cấu chi tiêu Xu hướng tăng cường các hoạt động gắn với khuôn viên ngoài trời quanh nhà (vườn nhà) đang thúc đẩy nhu cầu về đồ gỗ ngoài trời. Dịch Covid-19 buộc người dân phải ở nhà nhiều hơn, người dân càng có xu hướng gia tăng nhu cầu sử dụng không gian sân vườn và các tiện ích nội thất đi kèm như bàn, ghế, xích đu gỗ, giá kệ ngoài trời...
Thị hiếu tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Do đó, việc thu thập thông tin về thị hiếu tiêu dùng rất quan trọng. Thực tế, việc này có thể được thực hiện thông qua việc khảo sát các sản phẩm đang được kinh doanh trên thị trường Canada. Tức là tham khảo thị hiếu thông qua việc tin tưởng rằng các nhà cung cấp hiện hữu trên thị trường Canada đã tìm hiểu và nắm bắt được phần nào về thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.
Dù hình thức “Copy cat” này nhìn chung không tạo ra sự đột phá trong sản phẩm nhưng doanh nghiệp sẽ có phần nào “khái niệm” để tạo ra được sản phẩm tương đối phù hợp với người tiêu dùng Canada. Bản chất các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có sự khác biệt về chất liệu và nguyên liệu, trong đó, sản phẩm gỗ từ Canada chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ phong và các loại gỗ từ cây ôn đới trong khi các sản phẩm gỗ của Việt Nam chủ yếu là các loài cây nhiệt đới. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị hiếu để đưa ra những mẫu mã sản phẩm đủ mới lạ với thị trường này.