Thế giới nỗ lực lập quỹ hàng chục tỉ USD để bảo vệ đa dạng sinh học
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:28, 07/12/2022
COP15 bắt đầu từ ngày 7.12 đến 19.12 tại Montreal (Canada) với sự tham dự của các nhà lãnh đạo môi trường ở 190 quốc gia và lãnh thổ.
Khung dự thảo nhắm mục tiêu tăng 30% hệ sinh thái biển và trên bộ cần được bảo tồn kể từ năm 2030 (mục tiêu 30 x 30), vào lúc đang có những cảnh báo sự đa dạng sinh học của thế giới đang bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện tại, chỉ có 17% đất và 10% biển được bảo vệ.
Khung dự thảo cũng kêu gọi hạ giảm tỷ lệ phát triển các loài sinh vật ngoại lai xâm hại xuống còn 50%, giảm sử dụng thuốc trừ sâu xuống còn một nửa và chấm dứt sự vứt bỏ rác thải nhựa.
Dự kiến các mục tiêu trên sẽ là chủ đề tranh luận chính tại COP15. Ngoài ra, còn có vấn đề tài chính, với khả năng các nước đang phát triển sẽ thúc đẩy các nước giàu có có những cam kết hỗ trợ kinh phí bảo vệ môi trường trước khi phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận nào.
Sự biến đổi khí hậu đi cùng việc mất nhà ở, ô nhiễm đã góp phần gây hại cho sự đa dạng sinh học của thế giới. Một báo cáo năm 2019 đã cảnh báo khoảng 1 triệu loài động- thực vật sẽ bị tuyệt chủng trong vòng vài chục năm nữa - một tỷ lệ mất mát lớn hơn 1.000 lần so với dự báo.
Loài người tiêu thụ khoảng 50.000 loài hoang dã, và trung bình, cứ 5 người thì 1 người (trong tổng dân số thế giới 7,9 tỉ người) dựa vào các loài này để có thức ăn và thu nhập, theo báo cáo.
Theo đánh giá Triển vọng Đất đai Toàn cầu năm 2022 của Liên Hợp Quốc có tới 40% diện tích đất trên thế giới bị suy thoái.
Thách thức của COP15 sẽ là thuyết phục các chính phủ rằng họ cần tích cực hơn trong việc bảo tồn- bảo vệ đa dạng sinh học và thực hiện trọn vẹn các cam kết của họ. Thách thức lớn nhất là hỗ trợ các nước đang phát triển không nhiều tiền mà thường phải chi tiêu cho những vấn nạn nan giải.
Khung dự thảo đang vận động quyên góp 200 tỉ USD (tương đương 1% GDP của thế giới) cho việc bảo tồn kể từ năm 2030, và mỗi năm có thêm 500 tỉ USD từ việc các chính phủ chấm dứt trợ giá vốn nhằm có thực phẩm và nhiên liệu rẻ hơn.
Việc vận động nguồn quỹ tùy thuộc nhiều vào việc liệu các quốc gia có chịu chấm dứt hoặc cải cách sự trợ giá cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng, hoặc gây tổn thất cho thiên nhiên, hay không.
COP15 diễn ra chưa đầy một tháng sau Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP27), nơi lần đầu tiên có sự nhất trí về “quỹ bồi thường thiệt hại và mất mát”, với các nước nghèo sẽ được đền bù những tổn thất từ sự nóng lên của Trái Đất.
Robert Watson, người từng lãnh đạo nhóm báo cáo khoa học Liên Hợp Quốc về sự biến đổi khí hậu và mất mát đa dạng sinh học nhận định: “Rõ ràng chúng ta đang đánh mất sự đa dạng sinh học trên toàn thế giới. Hệ sinh thái của chúng ta, từ rừng, thảo nguyên, đầm phá đến bãi san hô, đều bị suy giảm. Chúng ta làm mất nhiều loài, vài loài sắp bị tuyệt chủng. Loài người đã tác động rất xấu đến hệ sinh thái”.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần ngưng trợ giá cho nông nghiệp, ngư nghiệp, mỏ, năng lượng, giao thông và chúng ta cần sử dụng tiền đó cho các hoạt động phát triển bền vững. Có lẽ mỗi năm có 1.000 tỉ USD dùng để trợ giá trực tiếp cho nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp, nghề cá... Và còn có khoảng 4.000 tỉ USD trợ giá gián tiếp”.