Nhật Bản đẩy cao mức chi quốc phòng trong 5 năm tới

Quốc tế - Ngày đăng : 14:36, 07/12/2022

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhắm mục tiêu tăng chi quốc phòng lên 43.000 tỉ yên (318 tỉ USD) từ năm 2023 đến 2027, tức tăng 56% so với khoản chi quốc phòng 5 năm hiện nay.

Khoản chi quốc phòng 5 năm đang áp dụng từ năm tài khóa 2019 đến 2023 là khoảng 27.470 tỉ yên, sau khi đánh giá môi trường an ninh khu vực Đông Á đang xấu đi.

maya.jpg

Trước đó vào ngày 2.12, các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của ông Kishida và đối tác liên minh Komeito đồng ý cần sở hữu khả năng tấn công căn cứ địch đang chuẩn bị tấn công nước Nhật, mở đường cho việc phát triển các loại tên lửa tầm xa.

Gần đây, Thủ tướng Kishida thường dùng thuật ngữ “năng lực phản kích” và khái niệm này gồm cả việc chuyển đổi học thuyết phòng thủ tên lửa từ đánh chặn sang phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công đáp trả.

Việc trang bị năng lực phản kích được kỳ vọng sẽ được công bố trong Chiến lược an ninh quốc gia (bộ hướng dẫn chính sách đối ngoại và an ninh dài hạn của chính phủ Nhật Bản) vốn sẽ được cập nhật từ cuối năm nay, cùng việc xem xét, sửa đổi Nguyên tắc chỉ đạo chương trình quốc phòng (NDPG).

Các nhà quan sát cho rằng nỗ lực phát triển tên lửa tầm xa đã được đưa vào dự chi ngân sách mới nhất, điều sẽ giải thích tại sao tăng vọt mức chi quốc phòng 5 năm tới.

Quyết định tăng chi quốc phòng của ông Kishida vào lúc LDP đặt mục tiêu tăng gấp đôi khoản chi này lên 2% GDP hoặc hơn trong 5 năm tới, tức ngang bằng mức chi của NATO.

Trước đây, Nhật Bản duy trì chi quốc phòng hằng năm quốc phòng ở mức 1% GDP, tức hơn 5.000 tỉ yên, đồng thời duy trì chính sách chỉ phòng vệ theo đúng tinh thần Hiến pháp yêu chuộng hòa bình.

Thủ tướng Kishida đã chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada và Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki tìm các cách để tăng chi quốc phòng trong 5 năm tới.

Ông Hamada cho biết nhà lãnh đạo Nhật Bản nói, chương trình quốc phòng trung hạn đến năm 2027 cần đạt 318 tỉ USD để “tích cực tăng cường khả năng phòng vệ của đất nước”. Nhưng hai bộ trưởng không nói chi tiết mục tiêu chi của Thủ tướng Kishida, chỉ cho biết họ được chỉ đạo tìm ra “các giải pháp cụ thể” cho việc thu chi vào cuối năm 2022, để “đất nước có thể trang trải chương trình chi quốc phòng mới”, bảo đảm nguồn tài chính ổn định, do sức khỏe tài chính của Nhật Bản yếu nhất trong số các nước công nghiệp phát triển, với nợ công cao hơn GDP gấp hai lần.

Thủ tướng Kishida đã nêu các ví dụ để có nguồn thu ổn định, như cải cách chi tiêu, sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối và tính đến sự cải cách.

Bộ trưởng Tài chính Suzuki nói việc tăng thuế sẽ được LDP bàn và sẽ ra quyết định từ cuối năm nay. Các nguồn tin của báo giới Nhật cho biết Ủy ban Nghiên cứu hệ thống thuế (thuộc LDP) sẽ khởi động bàn luận về vấn đề này sau khi chính phủ và các đảng cầm quyền quyết các hướng dẫn về nguồn thu, sớm nhất là vào ngày mai 8.12.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét việc nghiên cứu, phát triển chiến lược an ninh và xây dựng, cải thiện các cơ sở hạ tầng xã hội vốn sẽ góp phần vào việc phòng vệ, lập khả năng “tích cực phòng vệ mạng” nhằm đề phòng những cuộc tấn công mạng nghiêm trọng.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng xem xét các biện pháp tăng cường khả năng đối phó chiến tranh thông tin nhằm đối phó tin giả, cùng các biện pháp bảo đảm an ninh kinh tế và quân sự.

Bảo Vĩnh