EU chuẩn bị trừng phạt ngành khai khoáng Nga
Chuyển động - Ngày đăng : 10:40, 08/12/2022
Gói trừng phạt dự kiến được đưa ra thảo luận với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong vài ngày nữa, mục tiêu là đạt đồng thuận vào cuối tuần tới. Lệnh cấm đầu tư sẽ dành ngoại lệ cho một số sản phẩm nhất định.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, ngành khai khoáng - sản xuất nhiều mặt hàng quan trọng như vàng, quặng sắt, uranium và phốt phát - nhận đến 1/4 đầu tư nước ngoài vào Nga.
Lệnh cấm đầu tư nếu được tất cả 27 nước thành viên EU thông qua thì sẽ đánh dấu lần đầu tiên khối nhắm mục tiêu lĩnh vực kim loại Nga – lĩnh vực mà lâu nay họ luôn tránh vì lo ngại tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng loạt công ty và nhà đầu tư toàn cầu như Glencore, BlackRock, Vanguard, UBS đang nắm giữ cổ phần trong nhiều đơn vị khai khoáng lớn của Nga.
Ngoài lệnh cấm đầu tư ngành khai khoáng, gói trừng phạt thứ 9 còn có thể yêu cầu áp đặt biện pháp kiểm soát công nghệ dân sự mà EU tin rằng Nga sử dụng để hỗ trợ các nhà máy chế tạo vũ khí, bổ sung 3 ngân hàng Nga vào danh sách cấm giao dịch, trừng phạt 180 cá nhân khác, cấm 4 kênh truyền thông EU xác định giúp Nga tuyên truyền, cấm giao dịch với công ty nghiên cứu thị trường và tiếp thị của Nga.
EC từ chối bình luận về thông tin The Financial Times đưa ra. Giám đốc điều hành Glencore (nắm giữ cổ phần trong công ty năng lượng Nga EN+) Gary Nagle cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và thực hiện hành động thích hợp nếu có trừng phạt có thể ảnh hưởng đến tài sản của họ.
Ông xác nhận Glencore vẫn còn cổ phần trong EN+, nhưng là cổ đông bị động khi không có đại diện hội đồng quản trị: “Do hoàn cảnh nên chúng tôi chẳng thể rút lại đầu tư”.
8 gói trừng phạt trước của EU cùng hàng loạt trừng phạt Anh, Mỹ và các đồng minh phương Tây khác áp đặt đã nhắm đến nhiều ngân hàng, doanh nghiệp quốc phòng, nhà sản xuất dầu khí lẫn quan chức, tài phiệt Nga.
Phạm vi áp dụng lệnh cấm đầu tư ngành khai khoáng vẫn chưa được xác định cụ thể. Nga là nước cung cấp quan trọng một số kim loại như titan và palladium.
Ở 8 gói trừng phạt trước, EU phải tiến hành vài điều chỉnh hoặc nhượng bộ nhỏ để tất cả 27 nước thành viên thông qua. Hungary - nước có quan hệ thân thiết với Nga - từ chối thực hiện một số trừng phạt chẳng hạn như lệnh cấm nhập dầu qua đường ống, Bỉ không ủng hộ lệnh cấm nhập kim cương Nga.