Đài Loan cấm dùng TikTok, Douyin, Xiaohongshu trên thiết bị công cộng và văn phòng chính quyền
Thế giới số - Ngày đăng : 18:46, 08/12/2022
TikTok, Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok) và Xiaohongshu (nền tảng truyền thông xã hội và thương mại điện tử) đã bị cấm cài đặt và sử dụng trên các thiết bị công cộng hoặc trong văn phòng chính quyền Đài Loan.
Thông tin này đến từ hai phương tiện truyền thông Đài Loan là Central News Agency và Liberty Times. Cả hai đều trích dẫn một quan chức giấu tên từ Cơ quan kỹ thuật số Đài Loan (MODA).
Quan chức giấu tên nói rằng ba ứng dụng này là “các sản phẩm có hại cho an ninh thông tin Đài Loan”.
Về câu hỏi liệu lệnh cấm có được mở rộng sang smartphone cá nhân hay không, quan chức này cho biết MODA và các cơ quan hữu quan sẽ tham khảo “các hoạt động tương tự của các quốc gia khác” trước khi đưa ra quyết định.
Quan chức nói thêm rằng lệnh cấm đã được áp dụng với tất cả phần mềm do Trung Quốc sản xuất kể từ khi ban hành Nguyên tắc sửa đổi về Hạn chế các sản phẩm có hại với an ninh thông tin được sử dụng bởi các cơ quan chính quyền Đài Loan vào tháng 10.
ByteDance (chủ sở hữu của TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc) và Xiaohongshu (có trụ sở tại Thượng Hải) không trả lời ngay lập tức câu hỏi về chuyện này.
Brendan Carr, ủy viên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), nhà phê bình lâu năm với TikTok, đã ủng hộ việc Đài Loan cấm ứng dụng chia sẻ video đình đám này.
Từng đến thăm Đài Loan vào tháng 11 và có các cuộc họp với MODA, Brendan Carr tweet rằng: “Đài Loan đang tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng của chính mình”.
TikTok bị cấm ở Ấn Độ và phải đối mặt với sự giám sát từ các chính trị gia Mỹ vì mối liên hệ với Trung Quốc. Một số bang của Mỹ đã thực hiện các bước tương tự như Đài Loan.
Hôm 7.12, Thống đốc bang Texas - Greg Abbott và Thống đốc bang Maryland - Larry Hogan thông báo rằng TikTok đã bị cấm trên smartphone và máy tính do bang cấp, do lo ngại về an ninh mạng và các liên kết của ứng dụng với Trung Quốc.
Các thống đốc đảng Cộng hòa ở bang Nam Dakota và Nam Carolina cũng đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị do bang cấp. Việc dùng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của liên bang đã bị cấm bởi một số cơ quan có thẩm quyền ở Mỹ, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa.
Có hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ, TikTok đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội mới trong bối cảnh chính quyền Biden nỗ lực đưa ra một thỏa thuận bảo mật để cho phép ứng dụng tiếp tục hoạt động ở nước này. Tuy nhiên, những nỗ lực này đang bị trì hoãn trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về an ninh quốc gia, tờ The Wall Street Journal đưa tin hôm 6.12.
Vào tháng 10, TikTok đã vướng vào một cuộc tranh cãi khác sau khi Forbes báo cáo rằng một đội ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc đã lên kế hoạch thu thập dữ liệu TikTok để theo dõi vị trí thực tế của ít nhất hai công dân Mỹ.
Đáp lại, TikTok cho biết không thu thập thông tin vị trí GPS chính xác từ người dùng Mỹ, nghĩa là nó “không thể giám sát người dùng Mỹ theo cách mà bài viết Forbes nêu”.
TikTok nói thêm rằng ứng dụng này chưa bao giờ được sử dụng để “nhắm mục tiêu vào bất kỳ thành viên nào của chính phủ Mỹ, các nhà hoạt động, nhân vật của công chúng hoặc nhà báo”.
Bang Indiana kiện TikTok, cáo buộc Trung Quốc truy cập dữ liệu người dùng
Hôm 7.12, bang Indiana (Mỹ) đã kiện TikTok, cáo buộc rằng ứng dụng này đang lừa dối người dùng về việc Trung Quốc truy cập dữ liệu của họ và cho trẻ em xem nội dung người lớn.
Văn phòng của ông Todd Rokita (Tổng chưởng lý Indiana, đảng viên Cộng hòa) cho biết TikTok vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng của bang khi không tiết lộ khả năng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập thông tin nhạy cảm của người tiêu dùng.
TikTok cũng lừa dối người dùng trẻ tuổi và cha mẹ của họ bằng xếp hạng độ tuổi từ 12 trở lên trong các cửa hàng ứng dụng Apple và Google, văn phòng Todd Rokita cho biết trong một đơn khiếu nại được đệ trình hôm 7.12.
Đơn khiếu nại nói thêm rằng nội dung liên quan đến tình dục và chất kích thích không phù hợp có thể dễ dàng được tìm thấy và được công ty đẩy cho trẻ em xem trên TikTok.
Đây là hành động đầu tiên thuộc loại này của một bang ở Mỹ với TikTok. Todd Rokita đang tìm kiếm lệnh trừng phạt khẩn cấp và các hình phạt dân sự với công ty Trung Quốc.
Người phát ngôn TikTok nói không có bình luận nào và đang chờ xử lý vụ kiện.
Cũng trong ngày 7.12, Thống đốc Texas - Greg Abbott cho biết ông đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan của bang này cấm TikTok trên các thiết bị do chính quyền cấp.
Greg Abbott đã tweet rằng chính phủ Trung Quốc đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng với an ninh mạng của Mỹ.
Các hành động của Indiana và Texas theo sau chỉ thị khẩn cấp do Thống đốc Maryland - Larry Hogan ban hành một ngày trước đó cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị và mạng của chính quyền bang.
Lệnh cấm của Larry Hogan bao gồm nhiều sản phẩm, nền tảng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga vì ông cho biết chúng gây ra "mức độ rủi ro an ninh mạng không thể chấp nhận được với bang".
Các cơ quan hành pháp của bang Maryland phải xóa những sản phẩm này khỏi mạng của bang và ngăn chặn truy cập.
TikTok cho biết những lo ngại dẫn đến lệnh cấm của bang phần lớn là do thông tin sai lệch.
“Chúng tôi rất thất vọng vì nhiều cơ quan bang, văn phòng và trường đại học đang sử dụng TikTok để xây dựng cộng đồng và kết nối với cử tri sẽ không còn quyền truy cập vào nền tảng của chúng tôi nữa”, công ty cho biết.
Chỉ thị của ông Larry Hogan cũng áp dụng với Huawei Technologies, ZTE Corp, WeChat, QQ và QQ Wallet của Tencent Holdings, các sản phẩm Alibaba và Kaspersky Lab (Nga).
Brendan Carr đã ca ngợi hành động của Larry Hogan mà ông nói sẽ "bảo vệ Maryland khỏi các mối đe dọa do các tác nhân nước ngoài ác ý gây ra".
Thống đốc Nam Dakota - Kristi Noem tuần trước đã ký một lệnh hành pháp cấm nhân viên và nhà thầu của bang cài đặt hoặc sử dụng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của bang.
Hôm 5.12, Thống đốc Nam Carolina - Henry McMaster đã yêu cầu một cơ quan cấm TikTok khỏi smartphone và máy tính của chính quyền bang.
Tháng trước, Giám đốc FBI - Chris Wray cho biết các hoạt động của TikTok tại Mỹ làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia, đánh dấu nguy cơ chính phủ Trung Quốc có thể khai thác ứng dụng chia sẻ video này để tác động đến người dùng hoặc kiểm soát thiết bị của họ.
Christopher Wray nói với các nhà làm luật rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để kiểm soát dữ liệu hoặc phần mềm của hàng triệu người dùng và thuật toán đề xuất của ứng dụng (xác định video nào mà người dùng sẽ xem tiếp theo) có thể được sử dụng cho các hoạt động gây ảnh hưởng nếu họ muốn.
“Theo luật pháp Trung Quốc, các công ty Trung Quốc được yêu cầu về cơ bản làm bất cứ điều gì mà chính phủ muốn họ làm về chia sẻ thông tin hoặc phục vụ như một công cụ của chính phủ Trung Quốc. Đó là lý do cực kỳ đáng lo ngại”, Christopher Wray nói với Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện.
FBI đã chuyển các quan ngại của mình tới Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan xem xét các thương vụ mua lại của Mỹ bởi các công ty nước ngoài vì những rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia.
Chris Wray nói thêm rằng Bắc Kinh cũng có thể sử dụng TikTok để "kiểm soát phần mềm trên hàng triệu thiết bị", tạo cơ hội để "thỏa hiệp về mặt kỹ thuật" với các thiết bị đó.
Cựu Tổng thống Mỹ - Donald Trump vào năm 2020 đã cố gắng chặn người dùng Mỹ mới tải xuống WeChat và TikTok, điều này lẽ ra đã ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng hai ứng dụng này ở Mỹ, nhưng đã thua trong một loạt vụ kiện tụng.
Hồi tháng 6.2021, Tổng thống Joe Biden đã rút lại lệnh hành pháp của ông Trump tìm cách cấm tải xuống WeChat, TikTok và chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ tiến hành xem xét các mối lo ngại về bảo mật do hai ứng dụng gây ra.