Vì sao tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:30, 09/12/2022

Nói về tình hình sạt lở ở ĐBSCL, PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) nhận xét: “Có nhiều nguyên nhân sạt lở ở ĐBSCL, trong đó biến đổi khí hậu và con người tác động vào thiên nhiên là hai nguyên nhân chính”.
z3942370303914_b7f851b7c4439ab244cde17cd0ec4c9b(1).jpg
Nhiều nhà dân bị sạt lở bên bờ sông Cổ Chiên - Ảnh: B.D

Trong mấy ngày nay, vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên gây ra cú sốc lớn cho người dân ĐBSCL. Vụ sạt lở kinh hoàng quá. Chưa bao giờ ở Vĩnh Long có vụ sạt lở lớn như vậy. Chiều dài sạt lở gần 500 mét, sâu vô hơn 200 mét. Khoảng 12ha đất ven sông Cổ Chiên cùng với nhà cửa cư dân nơi đây bị bà thủy nuốt chửng. Ông Văn Hữu Huệ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, nhận định đây là vụ sạt lở rất kỳ lạ, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét. Hiện tại, khu đất đang còn dấu hiệu sạt lở tiếp. Để vài ngày ổn định, sở mới tham mưu UBND tỉnh thuê đơn vị độc lập khảo sát địa chất tìm nguyên nhân vụ sạt lở.

z3942370299400_4007817b2160f2060e9f083c7fc2eb0d(1).jpg
Nhiều vườn cây phút chốc bị bà thủy nuốt chửng - Ảnh: B.D

Vấn đề đặt ra ở đây vì sao có vụ sạt lở kinh hoàng và lạ lùng. PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí cho biết, do ông chưa có qua thực địa chỗ sạt lở ở Vĩnh Long để khảo sát nên ông chưa có ý kiến. Tuy nhiên, nếu đoạn sông sạt lở không có tập kết vật liệu nặng ven sông, không có tình trạng bơm hút cát, thì việc bất ngờ xảy ra sạt lở kinh hoàng như vậy là chuyện lạ. Ở ĐBSCL, tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nhiều. Biến đổi khí hậu, mưa bão càng ngày càng diễn ra gay gắt, tác động mạnh mẽ vào thiên nhiên. Trong khi đó, việc xây dựng đô thị, giao thông ngày càng nhiều, con người đẩy mạnh khai thác cát sông cho nhu cầu đó ngày càng quyết liệt gây ra những thay đổi lớn với môi trường ĐBSCL.

sat-lo-bo-song-ct-bct.jpg
Sạt lở bờ sông ở Cần Thơ - Ảnh: T.L

Có điều đáng lưu ý, trước khi khu vực này sạt lở, cách  đó khoảng 500 mét là  mỏ khai thác cát. Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường Vĩnh Long cho biết, mỏ cát của doanh nghiệp nằm cách điểm sạt lở 500m đã gần hết hạn khai thác. Đơn vị cũng không thực hiện thủ tục gia hạn theo quy định nên Sở Tài nguyên - Môi trường Vĩnh Long sẽ tham mưu UBND tỉnh cho dừng hoạt động ngay. 

Ở Vĩnh Long, cách cầu Mỹ Thuận khoảng 1km ở hạ nguồn thường xuyên có những sà lan khai thác cát. Ngồi xe qua cầu Mỹ Thuận, khách có thể nhìn thấy những cần cẩu hoạt động ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Điều này rất đáng ngại cho sự an toàn của cầu Mỹ Thuận. Nên chăng những điểm như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống..., cách cầu 10km không cho những sà lan, ghe bơm hút cát khai thác. Mục đích là bảo vệ an toàn cho những cây cầu lớn này.

Trong thời gian qua, tình trạng sạt lở tại các tỉnh ĐBSCL xảy ra ở nhiều địa phương. Tại An Giang, tình trạng sạt lở cũng rất nóng. Toàn tỉnh An Giang có gần 60 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 36 đoạn ở mức độ nguy hiểm. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang, mỗi năm khi dòng chảy bắt đầu mạnh do nước lũ từ thượng nguồn Mê Kông đổ về, nước sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tình hình sạt lở sẽ càng phức tạp.

z3942370279640_58014aa1be6627953a000ba487b86e43.jpg
Sạt lở nổi ám ảnh kinh hoàng đối với dân ven sông - Ảnh: T.L

Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, trong số hơn 250km bờ biển của tỉnh, hiện có 190km trong tình trạng sạt lở, một số đoạn sụt lún. Tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương, trong giai đoạn 2021-2025 xem xét hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp đê biển. Nơi cấp bách nhất hiện nay là đoạn kênh Năm Rạch Chèo đến bờ nam sông Đốc, dài khoảng 23km, nhu cầu vốn khoảng 700 tỉ đồng.

Tình hình sạt lở trên địa bàn Cần Thơ đang diễn ra rất phức tạp. Từ đầu năm 2022 đến nay, Cần Thơ đã ghi nhận gần 10 điểm sạt lở bờ sông, làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, gần 20 căn nhà bị thiệt hại một phần. Ngoài các công trình do thành phố đầu tư, Cần Thơ kiến nghị Trung ương bố trí khoảng 750 tỉ đồng xây dựng các công trình kè chống sạt lở khẩn cấp. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ, thời gian qua tình hình sạt lở đang diễn ra rất phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn.

Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Tình hình sạt lở xảy ra ở 13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL. Sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nguy hiểm.

z3942370302800_3fa8cfde6dd219ffaa5016bb570e9d42.jpg
Nhiều bè cá cũng bị vạ lây bởi sạt lở - Ảnh: B.D

Theo ý kiến của một chuyên gia Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân gây sạt lở ĐBSCL. Việc đáy sông thiếu cát, phù sa làm cho dòng nước bào mòn bờ sông, gây ra sạt lở nhiều hơn. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa hiện nay phát triển mạnh, làm cho việc sạt lở xảy ra nhiều nơi. Tình trạng khai thác cát ở sông Tiền, sông Hậu để phục vụ đô thị, giao thông cũng góp phần gây ra sạt lở. Xâm nhập mặn, nước biển dâng cũng gây ra sạt lở do hóa chất từ nước biển ăn mòn bờ sông...

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL, cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở ĐBSCL hiện nay là thiếu phù sa và cát. Do các đập thủy điện chặn cát và phù sa ở thượng nguồn sông Mê Kông. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát cho nhu cầu đô thị, giao thông. Nguyên nhân gốc vẫn còn thì hệ quả sẽ vẫn còn tiếp diễn. Muốn hạn chế sạt lở, chính quyền các tỉnh phải có giải pháp toàn diện hơn cho ĐBSCL.

Văn Kim Khanh