Hạn hán kéo dài đang hủy hoại thế giới hoang dã ở Kenya
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:51, 09/12/2022
Tình hình này diễn ra vào lúc Hội nghị lần thứ 15 các nước tham gia Công ước Đa dạng Sinh học Liên Hợp Quốc (COP15) đang diễn ra từ ngày 7 đến 19.12 tại Montreal, Canada. Hội nghị này sẽ có một vấn đề để bàn là "làm cách nào bảo vệ hệ sinh thái mong manh của thế giới trước sự biến đổi khí hậu".
Sau 4 mùa không mưa liên tiếp, thú hoang thường xuyên xuất hiện trong các làng của huyện Samburu để tìm thức ăn. Nhiều con vật không thể sống sót, và người chăn nuôi phải lấy thịt từ xác của chúng để có thức ăn.
Chính quyền Kenya đánh giá nạn hạn hán trong 9 tháng đã làm chết hơn 200 con voi, gần 400 con ngựa vằn và hơn 500 con linh dương. Nhiều con trong số các loài thú hoang này bắt đầu đói ăn, gầy yếu và thường tiếp xúc với người.
Chính phủ Kenya đã cung cấp nước uống, cỏ, cỏ khô và bãi liếm (nơi các con vật đến liếm muối) cho thú hoang trong khu vực, nhưng các con vật vẫn phải vào nơi dân cư để tìm thức ăn, nước uống.
“Voi thường tìm đến các loại cây trồng trong ruộng nhà tôi. Các cây và điểm uống nước là nguyên nhân xung đột chủ yếu giữa voi với cộng đồng dân cư”, theo David Lepeenoi ở huyện Samburu.
Tại vùng thảo nguyên Kenya khô cằn, biến đổi khí hậu và các giải pháp bảo tồn kém chất lượng đã làm suy thoái các khu bảo tồn, công viên quốc gia trong vài năm gần đây.
Tổ chức thiện nguyện bảo tồn BirdLife Africa cho biết, hàng chục loài chim chết ở phía bắc Kenya, chủ yếu do chúng bị đói. Có 300 loài chim ở châu Phi đã được xếp loại là bị đe dọa tuyệt chủng hoặc lâm nguy hiểm.
Hạn hán cũng tàn phá các cộng đồng dân cư, dẫn đến việc mất nguồn sống, gia súc chết và mất mùa. Thay vào đó, nhà nông phải chặt cây khô để làm than và bán để có miếng ăn, từ đó càng làm mất đi sự đa dạng sinh học trong khu vực, theo Paul Gacheru thuộc Tổ chức bảo tồn Nature Kenya.
Ông nói: “Cần có sự kêu gọi hỗ trợ các cộng đồng địa phương trong việc đối phó tác động của biến đổi khí hậu”, và nhấn mạnh rằng người địa phương cần được hỗ trợ những giải pháp thích ứng với thời tiết nóng bức và khô hạn.
Các cộng đồng dân cư khác trên toàn châu Phi cũng đối mặt với những tổn thất tương tự. Vùng chậu Okavango ở miền nam Nam Phi từng cung cấp nước cho 1 triệu người và một nửa đàn voi của thế giới, nay đang chịu đựng sự suy thoái các nguồn tài nguyên do tình trạng phá rừng, xây dựng đô thị và biến đổi khí hậu.
“Việc đẩy các hệ sinh thái quan trọng và đời sống hoang dã vào nguy hiểm cũng đang tác động tiêu cực đến cuộc sống con người”, Vladimir Russo, một cố vấn của Dự án Bảo tồn Okavango nhận định. Ông còn nói các hệ sinh thái không được bảo tồn tốt đang gây ra xung đột giữa con người và động vật hoang dã, và có thể dẫn đến sự gia tăng nạn săn bắn trộm.
Các chuyên gia về chính sách và thiên nhiên nói: để bảo tồn sự đa dạng sinh học của châu Phi, cần có sự tham gia thảo luận của cộng đồng địa phương và các nhà hoạch định chính sách về cách bảo vệ hệ sinh thái.
Linda Kreuger, Trưởng nhóm chính sách đa dạng sinh học của Tổ chức bảo vệ môi trường The Nature Conservancy nói rằng việc bảo vệ thiên nhiên “cần được đưa vào chương trình làm việc của lãnh đạo các quốc gia”.
Tại huyện Samburu, các tổ chức bảo tồn đang nỗ lực làm việc vào lúc các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn dần. Tại Trung tâm bảo tồn voi Reteti, nhân viên thú y Isaiah Alolo nói chỉ có thể cứu 30 - 40 voi con do tình trạng hạn hán kéo dài.
Isaiah Alolo cho biết: “Cùng với nguy cơ đói ăn, hạn hán là một dạng căng thẳng khiến đàn voi suy giảm và góp phần gây ra các bệnh. Trong nhiều trường hợp, bạn biết rằng con vật sẽ chết trong khi có nhiều con mồ côi cần được cứu. Đây là áp lực rất lớn đối với những người lo việc bảo tồn các loài thú này”.
Nhân viên chăm sóc Dorothy Lowakutuk cho biết, người của trung tâm đem nước và cỏ cho voi từ một thảo nguyên cách trung tâm 50 km, nhưng thảo nguyên đó cũng có nguy cơ suy giảm nếu hạn hán vẫn tiếp tục.