Vì sao sản phẩm lớn lao tiếp theo của Apple chưa trình làng?

Thế giới số - Ngày đăng : 22:10, 09/12/2022

VR rất cần Apple đóng vai trò là chất xúc tác cho công nghệ, nhưng gã khổng lồ có trụ sở ở thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) vẫn chưa sẵn sàng cung cấp.

Một năm trước, ngành công nghệ đã xôn xao về khả năng Apple tiết lộ tai nghe thực tế hỗn hợp (AR/VR) được mong đợi từ lâu. Nếu trình làng, đây sẽ trở thành sản phẩm mới lớn đầu tiên của hãng kể từ khi phát hành Apple Watch năm 2015.

Nhiều người tin rằng tai nghe thực tế hỗn hợp của Apple sẽ cho chúng ta một dấu hiệu rõ ràng về tương lai. Apple có lịch sử thiết lập các xu hướng trong ngành, bắt đầu bằng việc loại bỏ ổ đĩa mềm trên chiếc iMac đầu tiên của họ vào năm 1998 cho đến cung cấp tính năng SOS vệ tinh (nhắn tin khẩn cấp qua vệ tinh) trên dòng iPhone 14, điều mà các nhà sản xuất smartphone khác dường như cũng đang phát triển.

Apple nổi tiếng với việc đưa các sản phẩm thích hợp trở thành xu hướng chủ đạo, như smartphone và máy tính bảng.

Thế nhưng năm nay, Apple không trình làng tai nghe thực tế hỗn hợp, thậm chí không đề cập nhiều đến công nghệ AR dự kiến sẽ cung cấp sức mạnh cho thiết bị này.

Thay vào đó, các đối thủ cố gắng vượt lên dẫn trước Apple đã đạt được thành công và chịu thất bại ở mức độ khác nhau.

Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Meta Platforms, đã công bố Meta Quest Pro giá 1.500 USD, tai nghe được thiết kế cho công việc văn phòng cung cấp cả AR (thực tế tăng cường) và VR (thực tế ảo), đưa bạn vào một thế giới do máy tính tạo ra.

Meta Quest Pro đã nhận được nhiều đánh giá trái chiều sau khi ra mắt vào tháng 10. Các nhà phê bình phàn nàn nó giá cao, thời lượng pin chỉ 2 giờ và thiếu ứng dụng thực sự tận dụng các tính năng mới nhất của nó.

vi-sao-san-pham-lon-lao-tiep-theo-cua-apple-chua-trinh-lang1.jpg
Meta Quest Pro được sự đón nhận trái chiều khi ra mắt - Ảnh: CNET

Sự vắng mặt của tai nghe Apple và màn ra mắt Meta Quest Pro đầy sóng gió đã mang đến một năm hỗn loạn cho ngành công nghệ vẫn đang khao khát điều lớn lao tiếp theo.

Trong 12 tháng qua, các hãng công nghệ đã bị bủa vây bởi hàng loạt thách thức dường như vô tận, từ việc phong tỏa khiến hoạt động sản xuất ở Trung Quốc bị chậm lại, đến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine dẫn đến giá năng lượng cao ngất ngưởng, lạm phát và giờ là mối lo ngại về một cuộc suy thoái vào năm tới.

Carolina Milanesi, nhà phân tích tại hãng Creative Strategies, cho biết: “Có rất nhiều thứ mà ngành công nghệ phải giải quyết ngoài kế hoạch”. Kết quả là các hãng công nghệ, bao gồm cả Apple, đã không mang lại bất kỳ sự ngạc nhiên nào, mà họ chủ yếu tập trung vào việc cải tiến sản phẩm dần dần.

Thay đổi sản phẩm lớn nhất của Apple năm nay là bổ sung các tính năng mới như khả năng phát hiện tai nạn trên dòng iPhone 14, phiên bản Apple Watch chắc chắn hơn và khả năng khử tiếng ồn tốt hơn trong AirPods.

Các công ty khác cũng có những bước tiến tương tự, thực tế hơn. Google đã giới thiệu Pixel 7, "chiếc smartphone tốt hơn một chút" so với mẫu năm ngoái, theo CNET.

Trong khi đó, Microsoft dần hoàn thiện Windows 11 để cung cấp cho các PC trên thế giới, với tính năng tìm kiếm trên máy tính tốt hơn cũng như đổi tên phần mềm năng suất Office thành Microsoft 365.

Loa Echo Dot giá 50 USD nổi tiếng của Amazon đã được tinh chỉnh với chất lượng âm thanh và bass (âm trầm) tốt hơn, cùng với mở rộng nhận diện một số tín hiệu Wi-Fi.

Dù nhiều cải tiến trong số này đã được đón nhận nồng nhiệt, các nhà quan sát trong ngành cho biết chúng không thay đổi nhiều về các xu hướng lớn trong tương lai. Anshel Sag, nhà phân tích tại hãng Moor Insights and Strategy, nói: “Tôi gần như gọi đó là một năm thất bại về mặt tiến độ”.

Việc Apple chưa tham gia vào thực tế hỗn hợp có nghĩa là danh mục sản phẩm mới sẽ ít tiếng vang hơn. Song đó không phải là tất cả.

Nỗ lực của Mark Zuckeberg vào năm ngoái nhằm đổi thương hiệu Facebook thành Meta, viết tắt của metaverse, đã thất bại. Trong khi Mark Zuckerberg nói rằng ông coi đó là dấu hiệu cho thấy cam kết của Meta Platforms với công nghệ tương lai, các nhà đầu tư ngày càng đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của 10 tỉ USD mà công ty bơm vào dự án cho đến nay. Cổ phiếu Meta Platforms đã giảm gần 70% trong năm nay.

vi-sao-san-pham-lon-lao-tiep-theo-cua-apple-chua-trinh-lang.jpg
Cửa hàng ứng dụng App Store của Apple đã giúp iPhone trở nên nổi tiếng. Các nhà phát triển nói chung đến nay không mấy mặn mà với VR

Microsoft đã mất đi người lãnh đạo nhóm tai nghe HoloLens vào mùa hè này trong bối cảnh các cáo buộc về hành vi sai trái. Sony cho biết thiết bị PlayStation VR 2 rất được mong đợi sẽ có giá 550 USD khi ra mắt vào năm tới, cao hơn ít nhất 50 USD so với giá PlayStation 5.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi một nửa số thanh thiếu niên trả lời một cuộc khảo sát từ công ty phân tích Piper Sandler rằng không chắc chắn hoặc không có ý định mua tai nghe dạng này. Chỉ 9% quan tâm mua một cái.

Sự bất ổn kinh tế hơn nữa được dự đoán cho năm 2023 có thể đồng nghĩa Apple và các đối thủ cạnh tranh của họ có thể trì hoãn hơn nữa việc ra mắt các sản phẩm mới. Thế nhưng, hiệu ứng dây chuyền cũng sẽ ảnh hưởng đến các hãng khác, bao gồm nhiều công ty khởi nghiệp.

Sự đổi mới có xu hướng đến từ các công ty nhỏ hơn”, David Barnard (người ủng hộ nhà phát triển tại công ty RevenueCat) nói, đồng thời lưu ý rằng ngay cả nhóm thiết kế chip được đánh giá cao của Apple cũng có nguồn gốc từ công ty khởi nghiệp P.A. Semi.

P.A. Semi được Apple mua vào năm 2008 với giá 278 triệu USD.

"Nếu không thể chế tạo chip tùy chỉnh của riêng họ, liệu Apple có thể tạo tai nghe ngay bây giờ không? Có lẽ là không", David Barnard bình luận.

Với năm 2023, David Barnard sẽ theo dõi xem các nhà phát triển sẽ dồn sức lực của họ vào đâu. Sau tất cả, ông lưu ý thứ phân biệt iPad với máy tính bảng chạy Android của Google là các ứng dụng. David Barnard nói điều tương tự cũng giúp Apple Watch nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh.

"Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của các nhà phát triển", ông nhấn mạnh.

Sơn Vân