Củ kiệu, gà luộc... lên kệ siêu thị phục vụ Tết Nguyên đán 2023

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:06, 10/12/2022

Sau 2 năm cuộc sống bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, sắp tới Tết Quý Mão 2023 là cái Tết rất đặc biệt, Tết đầu tiên trong trạng thái bình thường mới của người dân cả nước.

Sôi động hàng Việt phục vụ Tết

Thị trường hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc vùng miền Bắc chuỗi siêu thị GO!, Big C của Central Retail cho rằng từ nay tới cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ tiếp tục xu hướng tích cực, thị trường sẽ sôi động ngang hoặc hơn so với các dịp cuối năm trước đại dịch. Trên cơ sở đó, Central Retail đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dồi dào tại hệ thống các siêu thị nhằm đem đến cho người tiêu dùng một cái tết đủ đầy, sung túc, không lo về giá.

2022_12_09_09_22_383_eb0a2.jpg

Cụ thể, chuỗi siêu thị sẽ cung cấp các sản phẩm tết, như bánh kẹo, nước ngọt, bia rượu... với giá cạnh tranh; thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi như mua một tặng một, giảm giá 50%, giá dành cho thành viên.

Central Retail sẽ phục vụ người tiêu dùng nhiều món ăn đặc trưng của Tết Việt Nam, như: Bánh chưng, bánh tét, bánh dày, bánh pía, lạp xưởng, chả lụa... và cả các món ăn chế biến sẵn truyền thống như xôi gấc, canh khổ qua nhồi thịt, gà luộc, nem, thịt kho tàu…

"Thực tế, để đảm bảo giá ổn định, đối với các sản phẩm tươi sống là một thách thức bởi đây là các mặt hàng chịu tác động của rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá cả, chất lượng, chẳng hạn như thời tiết hoặc chi phí vận chuyển. Để giải bài toán này, các nhà cung cấp sẽ phải cam kết với chúng tôi rằng bất kể tình huống nào cũng phải giữ giá bán đúng như hợp đồng, để chúng tôi có thể đưa ra mức giá cạnh tranh, có lợi nhất cho khách hàng", ông Lê Mạnh Phong cho biết.

Hệ thống WinMart/WinMart+ cũng dự báo nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao từ đầu tháng 1.2023 cho đến Tết Nguyên đán. Để chuẩn bị cho Tết Quý Mão 2023, hệ thống này đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa với sản lượng lớn từ vài tháng trước Tết, chẳng hạn ngành hàng thực phẩm tươi sống chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu, trọng tâm cho dịp tết như rau củ quả, thịt cá...

"Nguồn cung các mặt hàng này tăng 20% so với cùng kỳ. Các mặt hàng truyền thống dịp tết như giỏ quà trái cây, bánh chưng, đồ muối cũng được chuẩn bị với số lượng lớn và giá tốt, khuyến mãi lên tới 50%", đại diện WinCommerce cho biết.

Đối với ngành hàng tiêu dùng, mặt hàng chủ đạo không thể thiếu trong dịp tết là bánh kẹo, đồ uống được chuẩn bị sản lượng tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhóm hàng như thực phẩm khô, đặc sản vùng miền... cũng sẽ được tăng cường nguồn cung. 

Đại diện AEON Việt Nam cho biết đã lên kế hoạch và phối hợp cùng các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn hàng cho đợt mua sắm cuối năm và dịp tết ngay từ hồi tháng 10. Tình hình kinh tế đã phục hồi đáng kể trong thời gian qua. Vì vậy, sức mua trong giai đoạn lễ tết, đặc biệt là thời gian cận Tết Quý Mão 2023 dự kiến sẽ tăng từ 10 -15% so với năm 2022.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, AEON Việt Nam cho biết sản lượng hàng dự kiến tăng từ 15-20% để phục vụ khách hàng mua sắm trong giai đoạn cao điểm từ cuối tháng 12.2022 đến cuối tháng 1.2023; tập trung chủ yếu vào các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn (bánh chưng, bánh tét, bánh pía, củ kiệu…); các sản phẩm hàng thiết yếu, quà tặng tết như giỏ/hộp quà, đồ khô (khô mực, khô cá, khô gà…).

Các cơ sở tăng kế hoạch sản xuất

Để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Quý Mão 2023 sắp tới, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn theo kế hoạch được giao và tăng thêm tối thiểu 30%.

Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ người dân.

Các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ triển khai nhiều chương trình hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn; các chợ hoa xuân phục vụ Tết; các sự kiện thực hiện kế hoạch kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với sở công thương các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa hàng về Hà Nội đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp tết của nhân dân.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất thủy-hải sản chế biến, bánh kẹo, nước ngọt, nước giải khát… đã đạt mục tiêu sản lượng; nhiều công ty sản xuất, kinh doanh thịt gia súc gia cầm cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị tại trại chăn nuôi và trại liên kết để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường.

Đại diện một cơ sở sản xuất bánh kẹo tại Hà Nội cho biết đơn vị đang thuê thêm công nhân và tăng cường thu mua nguyên liệu sản xuất mứt và các loại hoa quả sấy khô phục vụ khách hàng trong dịp tết cổ truyền. Đây là thời điểm quan trọng nhất của các doanh nghiệp làm sản phẩm tết truyền thống, vì vậy cơ sở sẽ đẩy mạnh giám sát đối với các quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm… để đảm bảo hàng đạt chất lượng tốt nhất.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung