Bộ GD-ĐT sẽ xử lý nghiêm các trường tuyển sinh vượt năng lực
Giáo dục - Ngày đăng : 11:42, 10/12/2022
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết năm 2023 có thể học sinh được tổ chức đăng ký xét tuyển nguyện vọng sớm hơn để các trường khai giảng sớm sau khi tuyển đủ.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kỳ thi xét tuyển đại học và cao đẳng năm 2022 có 5 phương thức xét tuyển với số lượng thí sinh nhập học cao nhất, gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác.
Cùng với đó, cũng có 5 phương thức xét tuyển với số lượng thí sinh nhập học thấp nhất, gồm: xét tuyển qua phỏng vấn, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, thi văn hóa ở các trường. Một số cơ sở xét tuyển sớm chưa hiệu quả, thí sinh phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại cơ sở đào tạo.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành và một số cơ sở đào tạo. Cụ thể, trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh với tỷ lệ thấp.
Thống kê từ báo cáo về tuyển sinh và đào tạo khối đại học - cao đẳng năm 2022 của Bộ GD-ĐT mới công bố cho thấy, mùa tuyển sinh năm 2022, hơn 467.400 thí sinh trúng tuyển đã nhập học, đạt tỷ lệ 81,17%. Trong đó, thí sinh trúng tuyển các ngành lĩnh vực kinh doanh và quản lý nhiều nhất với 26%, tương đương hơn 121.500 thí sinh. Tiếp theo, thí sinh nhập học lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin với 13%, tương đương hơn 60.700 em.
Các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, nhân văn cùng chiếm 9% thí sinh nhập học; các lĩnh vực sức khỏe, khoa học xã hội và hành vi cùng chiếm 6%; lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 5%. Các lĩnh vực còn lại, số thí sinh trúng tuyển dao động từ dưới 1 - 4%.
Bộ GD-ĐT nhận định hầu hết các ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Thực tế năm 2022, thí sinh xét tuyển bằng phương thức chỉ lấy điểm thi tốt nghiệp THPT đã chờ đợi ròng rã… 3 tháng mới biết là đỗ hay trượt. Ở phương thức đặt nguyện vọng, trúng tuyển ở đâu dừng lại ở đó, nhiều thí sinh đã đỗ vào những ngành học không như mong đợi, nếu không biết cách sắp xếp nguyện vọng theo ưu tiên của bản thân.
Việc một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng dễ thất bại trong tuyển sinh các ngành mới. Nhiều cơ sở gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là đối với chương trình mà đối tác nước ngoài không có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế. Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ xử lý nghiêm các cơ sở tuyển sinh vượt năng lực, vượt số lượng theo quy định.
Về giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, bộ sẽ hoàn thiện quy định về danh mục ngành, mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo về thẩm quyền và các điều kiện khi mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là điều kiện bảo đảm chất lượng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khuyến cáo các trường trong việc tổ chức kỳ thi riêng, đề nghị có sự phối hợp để tránh tình trạng có quá nhiều kỳ thi. "Chậm nhất từ năm 2025 sẽ có điều chỉnh tuyển sinh phù hợp với đặc thù từng ngành", ông Sơn nói.
Từ những sai sót về dữ liệu tuyển sinh vừa qua, GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn, giám sát từ các trường phổ thông và sở giáo dục - đào tạo, qua đó giúp học sinh hiểu đúng quy định, quy tắc tuyển sinh và những yêu cầu công nghệ để tránh sai sót đáng tiếc.
"Năm 2022 sự phân hóa của đề thi đã tốt nhưng vẫn mong tốt hơn nữa để phục vụ các trường trong xét tuyển, đặc biệt những ngành có tính cạnh tranh cao. Hiện nay các khối ngành sức khỏe cũng đã có họp bàn để đưa ra phương án tuyển sinh chung để hướng đến một kỳ thi minh bạch, an toàn và chất lượng", ông Tú cho biết.