Đài Loan lo đánh mất ‘lá chắn silicon’

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:47, 12/12/2022

Tuần trước nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC thông báo xây dựng nhà máy thứ 2 tại bang Arizona và tăng đầu tư vào Mỹ lên 40 tỉ USD. Đây là tin vui với Tổng thống Joe Biden cùng giám đốc điều hành Apple Tim Cook.

Nhưng ở quê nhà Đài Loan lại dấy lên nỗi lo vì TSMC đang phải chịu áp lực chính trị lẫn thương mại ngày càng tăng. Ngoài Mỹ thì tập đoàn còn cân nhắc xây nhà máy tại Nhật và châu Âu.

Phó chủ tịch tổ chức nghiên cứu chip TechInsights G.Dan Hutcheson cho biết: “TSMC giống như kim cương Hy vọng (viên kim cương xanh lớn nhất thế giới) của ngành bán dẫn vậy. Mọi người đều muốn họ. Khách hàng Trung Quốc muốn họ xây nhà máy. Khách hàng Mỹ và châu Âu cũng vậy”.

Bên cạnh rủi ro TSMC đem theo công nghệ tiên tiến nhất ra đi khiến Đài Loan mất đi một tài sản quý giá lẫn lượng lớn việc làm, còn có nỗi lo nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới “biến mất” thúc đẩy Trung Quốc gia tăng sức ép lên đảo tự trị.

TSMC được Đài Loan cũng như các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Qualcomm xem như báu vật. Tập đoàn sản xuất hầu hết sản phẩm chip tiên tiến – thành phần quan trọng giúp mọi thứ từ điện thoại thông minh đến máy giặt vận hành trơn tru.

Giá trị của TSMC với kinh tế toàn cầu và kinh tế Trung Quốc lớn đến nỗi tập đoàn đóng vai trò “lá chắn silicon” khiến Bắc Kinh đắn đo khi cân nhắc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Phương Tây cũng vì TSMC mà ra sức bảo vệ đảo tự trị.

daipresident-joe-bi-13965995_2803260_20221207100102.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ hai từ trái sang) đi thăm địa điểm xây nhà máy TSMC tại Arizona - Ảnh: CNN

Thỏa thuận bí mật?

Một ngày trước lúc TSMC thông báo xây dựng nhà máy thứ 2 tại bang Arizona, nghị sĩ phe đối lập Đài Loan Khưu Thần Viễn chất vấn quan chức đứng đầu cơ quan ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp liệu có “thỏa thuận bí mật” gì về chuyện này hay không.

Quan chức Ngô khẳng định không hề có thỏa thuận bí mật hay nỗ lực làm giảm tầm quan trọng của Đài Loan nào cả. Tuy nhiên ông thừa nhận TSMC chịu áp lực chính trị phải chuyển hoạt động lẫn công nghệ tiên tiến nhất sang Mỹ. Dự kiến khoảng 300 nhân sự (có cả kỹ sư TSMC) sang Mỹ làm việc.

Nhà phân tích Patrick Chen (công ty dịch vụ tài chính CL Securities) nhận xét: “Tình hình tương tự như những gì xảy ra ở Mỹ vào thập niên 70 - 80. Hoạt động sản xuất chuyển từ Mỹ sang quốc gia khác. Nhiều việc làm địa phương bị mất và các thành phố phá sản”.

Trả lời đài CNN về kế hoạch mở rộng sản xuất, giám đốc điều hành TSMC Ngụy Triết Gia tuyên bố: “Mọi khu vực đều quan trọng đối với TSMC. Chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ mọi khách hàng trên thế giới”.

Cân nhắc rủi ro chính trị cùng địa chính trị nhiều hơn

90% chip máy tính tiên tiến trên thế giới do TSMC sản xuất. Chúng rất khó chế tạo vì chi phí sản xuất cao và đòi hỏi trình độ chuyên môn nhất định, vì vậy hoạt động sản xuất chủ yếu tập trung vào số ít đơn vị.

Lo ngại bị cắt nguồn cung chip - đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang - khiến chính phủ nhiều nước cùng không ít đơn vị tiêu thụ như Apple yêu cầu công ty sản xuất địa phương hóa hoạt động.

Theo giáo sư Chris Miller (trường Luật và Ngoại giao Fletcher): “Quyết định đầu tư vào Arizona của TSMC là bằng chứng cho thấy rủi ro chính trị cùng địa chính trị sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc đưa ra quyết định về chuỗi cung ứng, và khách hàng TSMC đòi hỏi đa dạng hóa về mặt địa lý – điều trước đây không phải mối quan tâm chính”.

TSMC sẽ không “từ bỏ” Đài Loan

TSMC tuyên bố nhà máy thứ 2 tại Arizona sản xuất chip 3 nanomet với hai khách hàng đầu tiên dự kiến là Apple và Nvidia. Điều này khiến nhiều chính trị gia như nghị sĩ Khưu lo lắng Đài Loan sẽ thua thiệt khi TSMC được nhiều nơi khác mời gọi.

Tuy nhiên nhà phân tích Chen tin rằng nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục sản xuất loạt chip tiên tiến nhất tại quê nhà vì Đài Loan vẫn có mức lương lao động thấp cùng đội ngũ kỹ sư công nghệ chất lượng cao. Hơn nữa tập đoàn cần được cơ quan kinh tế Đài Loan cấp phép thì mới được đem công nghệ tiên tiến ra nước ngoài.

Phó chủ tịch Hutcheson có cùng quan điểm: “Khi đã xây dựng nên một đội ngũ phát triển làm việc chặt chẽ cùng nhau thì bạn sẽ không muốn phá vỡ”.

Cẩm Bình