Gia tăng bệnh nhân đột quỵ, hô hấp do giá rét: Lời khuyên của chuyên gia
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:10, 12/12/2022
Nhiều người lớn tuổi bị đột quỵ khi thời tiết trở lạnh
Ghi nhận tại Bệnh viện Phổi trung ương, số lượng bệnh nhân là người già đến khám và cấp cứu tăng vọt trong 1 tuần gần đây, nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là thời tiết quá lạnh khiến nhiều người bị mắc các bệnh hô hấp, đột quỵ.
Bác sĩ Vũ Văn Thành (Bệnh viện Phổi trung ương) cho biết khi bình thường mỗi ngày khám chỉ khoảng 15 - 25 người, điều trị khoảng 200 bệnh nhân nội trú/tháng. Nhưng trong 1 - 2 tuần gần đây khi nhiệt độ tại miền Bắc giảm sâu, số lượng tăng đột biến khoảng 250 - 300 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi tháng. Mỗi ngày thăm khám cho khoảng 50 - 60 người. Theo thống kê, đa phần bệnh nhân nhập viện do bệnh tim mạch và bệnh đường hô hấp.
Thực tế, thời tiết lạnh đột ngột khiến huyết áp dễ bị biến động, bởi vậy người cao tuổi, người có bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, tim mạch, hen, viêm phế quản mạn tính… đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Thời tiết mùa đông khắc nghiệt, giá lạnh, hệ miễn dịch của mọi người đều bị ảnh hưởng, đặc biêt là những người cao tuổi đã lão hóa, suy yếu, sức đề kháng kém, rất dễ mắc bệnh.
Lý giải về nguyên nhân người bệnh tim mạch, đột quỵ gia tăng trong mùa lạnh, bác sĩ Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) cho rằng thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời. Trung bình số người nhập viện tại bệnh viện này do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70 - 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Trong 1 - 2 tuần gần đây, do thời tiết giá lạnh sâu, nên số bệnh nhân nhập viện tăng từ 40 - 50% vì bị đột quỵ, hô hấp...
Trong mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch, nguyên nhân là thời tiết lạnh làm tăng tiết các catecholamin trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp, từ đó nguy cơ các bệnh tim mạch và đột quỵ gia tăng hơn so với khi thời tiết thông thường. Người cao tuổi huyết áp không ổn định, khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột thì các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng cao, đặc biệt khi ra ngoài hoặc khi tắm rửa.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài các bệnh nhân là những người lớn tuổi thì những người trẻ cũng bị đột quỵ, còn ở các khoa hô hấp ở các bệnh viện thì gia tăng bệnh nhân cả trẻ em lẫn người lớn nhập viện điều trị.
"Thay đổi thời tiết hoặc không khí nhiễm bẩn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh đã tác động đến lá phổi của chúng ta. Đặc biệt các trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi, người có bệnh nền (điển hình như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản...) rất dễ tổn thương khi thời tiết giao mùa. Ví dụ bệnh viêm phổi bị các vi khuẩn có độc lực mạnh bùng phát gây nhiễm trùng nặng; bệnh nhân có những đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; hen cấp có tình trạng suy hô hấp phải thở máy. Chính vì thế khi thời tiết chuyển lạnh, chúng ta cần phải biết chăm sóc và giữ ấm cơ thể mình để không bị ảnh hưởng quá nhiều" - bác sĩ Vũ Văn Thành khuyến cáo.
6 lưu ý quan trọng về sức khỏe khi vào mùa lạnh
Trong những ngày sắp tới, nhiệt độ có thể giảm sâu hơn nữa, chính vì thế việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe mùa lạnh được các chuyên gia y tế lưu ý. Đặc biệt khi thời tiết trở lạnh sâu là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Vào mùa lạnh, mọi người cần giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành... Những người có tiền sử bệnh hô hấp hay người già cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng tắm bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể không thích ứng được sẽ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Theo bác sĩ Vũ Văn Thành (Bệnh viện Phổi trung ương), trong thời tiết cực đoan hiện nay, việc phòng bệnh, đặc biệt với những đối tượng nguy cơ cao rất quan trọng. Chính vì thế mọi người cần chú ý 6 vấn đề sau:
- Đối với các trường hợp được chẩn đoán có những bệnh lý nền cần phải quản lý bệnh tốt, theo sát chuyên khoa.
- Cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt ở người cao tuổi thời điểm giao mùa cần phải ăn uống đủ nâng cao sức đề kháng.
- Người cao tuổi thường thức dậy vào đêm không cẩn thận sẽ bị nhiễm lạnh có thể gây nên các nhiễm trùng đường hô hấp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm. Do đó, cần đặc biệt chú ý việc giữ ấm, tránh sốc nhiệt. Với trẻ nhỏ, thời điểm đêm cũng cần chú ý tránh để trẻ nhiễm lạnh gây viêm phổi.
- Cần tăng sức bảo vệ chủ động. Đối với bệnh nhân có bệnh lý nền và người không có bệnh lý nền trên 65 tuổi nên tiêm phòng vắc xin cúm nhắc lại hằng năm, tiêm phòng vi khuẩn phế cầu. Hai loại vắc xin này giảm nguy cơ mắc bệnh gây tổn thương phổi.
- Khi thời tiết lạnh giá mọi người đi ra ngoài cần phải giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, đeo khẩu trang để tránh tác nhân lây qua đường hô hấp, giữ cho hơi thở ấm.
- Ở những vùng quê thường xảy ra tình trạng sưởi ấm bằng các chất đốt như củi, than, dễ gây ngộ độc. Do đó, cần lưu ý sưởi ấm một cách an toàn bằng thiết bị điện.