Apple đầu tư hơn 100 tỉ USD vào mạng lưới cung ứng ở Nhật, Tim Cook thăm trung tâm chip

Thế giới số - Ngày đăng : 11:46, 13/12/2022

Apple hôm 13.12 cho biết đã đầu tư hơn 100 tỉ USD vào mạng lưới cung ứng tại Nhật Bản trong 5 năm qua, khi Giám đốc điều hành Tim Cook đến thăm trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn nước này.

Hôm 12.12, Tim Cook cho biết đã đến thăm tỉnh Kumamoto ở phía tây nam Nhật Bản, nơi có các nhà máy của nhiều hãng công nghệ và bán dẫn hàng đầu, gồm cả một nhà máy đang TSMC được xây dựng.

Trong một tuyên bố, Apple tiết lộ đã tăng hơn 30% chi tiêu cho các nhà cung cấp tại Nhật Bản kể từ năm 2019, với mạng lưới trải dài gần 1.000 công ty, từ các hãng đa quốc gia đến các doanh nghiệp do gia đình điều hành.

Apple gọi Sony Group Corp là một trong những nhà cung cấp lớn nhất tại Nhật Bản để mang đến cảm biến camera cho iPhone, đồng thời đề cập đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gồm cả công ty dệt may Inoue Ribbon Industry Co và nhà sản xuất khuôn mẫu Shincron Co với tư cách là đối tác.

Apple cho biết 29 nhà cung cấp Nhật Bản đã cam kết chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp liên quan đến nhà sản xuất iPhone vào năm 2030, trong đó có Sony Group Corp, Murata Manufacturing Co, Keiwa Inc, Fujikura và Sumitomo Electric Industries.

apple-dau-tu-hon-100-usd-vao-mang-luoi-cung-ung-o-nhat.jpg
Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook khoe ảnh chụp ở tỉnh Kumamoto

Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất chính của Apple, nơi đặt khoảng một nửa số nhà máy của 190 nhà cung cấp hàng đầu. Đó là phân tích của tờ SCMP về danh sách nhà cung cấp cho Apple trong năm tài chính vừa qua.

Danh sách nhà cung cấp mới nhất được công bố từ Apple đại diện cho 98% chi tiêu trực tiếp của công ty cho vật liệu, sản xuất và lắp ráp trên toàn thế giới. Dữ liệu về giá trị tiền tệ và năng lực sản xuất của mỗi nhà cung cấp không được tiết lộ.

Danh sách này phản ánh cách Apple đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình từ Trung Quốc chuyển sang các nước như Việt Nam và Ấn Độ, khi đại dịch dẫn đến phong tỏa làm gián đoạn hoạt động sản xuất và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ - Trung tiếp tục gây bất ổn cho hoạt động kinh doanh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới .

Danh sách này cũng đánh dấu sự tương phản rõ rệt với các ưu đãi trước đây của Apple từ năm 2017 đến 2020, khi gần 1/3 nhà cung cấp đến từ Trung Quốc.

Các nhà cung cấp mới của Trung Quốc được Apple bổ sung trong năm tài chính vừa qua gồm Baotou INST Magnetic New Material Co (có trụ sở tại Nội Mông, chuyên thiết kế và sản xuất các thiết bị vật liệu ứng dụng nam châm đất hiếm); Shenzhen Linkconn Electronics Co (nhà sản xuất cổng kết nối điện tử ở Thâm Quyến); Jiangyin Kangrui Molding Technology Co (có trụ sở tại tỉnh Giang Tô).

Một sự bổ sung mới khác là Wingtech Technology Co (được niêm yết tại Thượng Hải, sản xuất thiết bị tích hợp bán dẫn và truyền thông).

1 trong 7 công ty Trung Quốc đã mất vị thế nhà cung cấp cho Apple là Ofilm Group (được niêm yết tại Thâm Quyến, sản xuất và phân phối các linh kiện quang học và quang điện tử).

Apple loại bỏ Ofilm Group khỏi danh sách nhà cung cấp vào tháng 3.2021 sau khi hãng này bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vì cáo buộc tham gia vào một chương trình chuyển người dân tộc thiểu số từ Tân Cương đến làm việc tại các nhà máy công ty.

Nếu được chứng minh là đúng, cáo buộc đó sẽ vi phạm Quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp của Apple. Bộ quy tắc này dựa trên các quyền con người được quốc tế công nhận, do Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế quy định.

Cả Apple và Ofilm Group (có trụ sở tại thành phố Nam Xương) đều không bình luận về cáo buộc cưỡng bức lao động.

Khi nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple đã đạt được tốc độ nhanh chóng năm nay, các nhà phân tích kỳ vọng gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất Trung Quốc trong tương lai gần.

Eddie Han, Giám đốc tại công ty Isaiah Research (có trụ sở tại Đài Bắc, Đài Loan) cho biết: “Apple có thể giảm sản lượng ở Trung Quốc, tăng sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam, nhưng họ vẫn có quan hệ chặt chẽ với các nhà sản xuất Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của mình”.

Theo Eddie Han, một số nhà cung cấp của Trung Quốc đang mở rộng quan hệ đối tác chuỗi cung ứng với Apple. Đáng chú ý có BOE Technology Group (có trụ sở tại Bắc Kinh, sản xuất các tấm nền OLED) và Sunny Optical Technology (nhà sản xuất mô đun camera và ống kính smartphone, có trụ sở chính ở tỉnh Chiết Giang).

Theo Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao của hãng Counterpoint Research, trong khi tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các dây chuyền lắp ráp của Trung Quốc, Apple vẫn tin tưởng vào một số nhà cung cấp dài hạn ở nước này như Luxshare Precision để bù đắp rủi ro từ quá trình chuyển đổi này.

Apple có yêu cầu cực kỳ cao về chất lượng sản phẩm”, Ivan Lam cho biết và nói thêm rằng việc tiếp tục làm việc với các đối tác lâu dài của Trung Quốc cho phép gã khổng lồ công nghệ Mỹ giảm bớt sự không chắc chắn.

Một số nhà cung cấp lớn của Apple vốn chỉ vận hành các nhà máy ở Trung Quốc những năm trước đây đã mở rộng hoạt động của họ ở các quốc gia khác. Chẳng hạn INB Electronics (nhà sản xuất tai nghe có trụ sở tại Thâm Quyến) đã thành lập cơ sở hoạt động tại tỉnh Phú Thọ (Việt Nam). Genius Electronic Optical (nhà sản xuất ống kính Đài Loan) đã bổ sung một nhà máy mới tại thành phố Đài Trung (Đài Loan), để hỗ trợ cho các hoạt động của hãng ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).

Boyd Corp (có trụ sở tại bang California, Mỹ, nhà cung cấp các giải pháp quản lý năng lượng và bảo vệ môi trường) đã bổ sung thêm các nhà máy mới ở bang Chihuahua (Mexico) và bang Wisconsin (Mỹ), đồng thời tiếp tục vận hành các nhà máy của mình ở các tỉnh Quảng Đông và Giang Tô.

6 nhà cung cấp và địa điểm sản xuất mới của Apple tại Trung Quốc:


Baotou INST Magnetic New Materials Co (khu tự trị Nội Mông)

Beijing Zhong Ke San Huan High-Tech Co (tỉnh Chiết Giang)

Crystal-Optech Co (tỉnh Chiết Giang và bang California)

Jiangyin Kangrui Molding Technology Co (tỉnh Giang Tô)

Shenzhen Linkconn Electronics Co (tỉnh Giang Tô)

Wingtech Technology Co (tỉnh Vân Nam và Chiết Giang)

7 nhà cung cấp Trung Quốc bị loại khỏi danh sách của Apple:

Golden Arrow Printing Co (tỉnh Giang Tô)

Jinlong Machinery & Electronics Co (tỉnh Quảng Đông)

Selen Science & Technology Co (tỉnh Giang Tô)

Suzhou Victory Precision Manufacture Co (tỉnh Giang Tô)

Suzhou Xinjieshun Hardware Machine Electricity Co (tỉnh Giang Tô)

Jones Tech (tỉnh Giang Tô)

Ofilm Group (tỉnh Quảng Đông và Giang Tây)

Apple muốn tăng gấp ba sản lượng iPhone ở Ấn Độ, giảm phụ thuộc Trung Quốc

Hôm 12.12, trang Mint đưa tin Apple được cho muốn tăng gấp ba công suất sản xuất iPhone tại Ấn Độ trong vòng 2 năm tới. Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và sang các khu vực khác trên thế giới.

Theo Mint, một lãnh đạo cấp cao trong ngành giấu tên cho biết: “Apple đang tìm cách tăng quy mô sản lượng iPhone tại Ấn Độ. Nó có thể tăng hơn ba lần so với những gì Apple đặt mục tiêu trong năm nay".

Mint trích dẫn lời một giám đốc khác cho biết Apple đã chỉ thị Foxconn, Pegatron và Wistron, ba trong số các nhà cung cấp lớn nhất của công ty, tăng cường năng lực và nhân lực tại Ấn Độ.

Trong tuần này, có thông báo Foxconn đã đầu tư 500 triệu USD vào công ty con ở Ấn Độ với hy vọng tăng năng lực hoạt động tại quốc gia Nam Á này.

Apple và các nhà cung cấp của họ đã sản xuất một số mẫu ‌iPhone‌ ở Ấn Độ, bao gồm cả iPhone 14. Gần đây, một số nguồn tin tiết lộ Apple có kế hoạch mở rộng sản xuất các sản phẩm khác tại Ấn Độ, gồm cả iPad.

Nguồn cung các mẫu iPhone 14 Pro trước kỳ nghỉ lễ bị hạn chế nghiêm trọng do nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gặp sự cố về vấn đề lao động do nCoV.

Vào tháng trước, Apple cho biết trong một thông cáo báo chí rằng đang "làm việc chăm chỉ" để khôi phục nguồn cung về mức bình thường.

Cách đây 1 tuần, tờ Wall Street Journal đưa tin Apple đang tích cực tìm cách chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á, gồm cả Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, các nguồn tin cảnh báo rằng việc thiếu nhân sự tay nghề cao và cá nhân có chuyên môn trong việc chế tạo các thiết bị có độ phức tạp cao như iPad có thể làm chậm kế hoạch này ở Ấn Độ.

Bối cảnh chính sách đối ngoại cũng ảnh hưởng đến kế hoạch của Apple vì căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Vài năm qua, hai nước láng giềng thường xuất hiện tranh chấp lãnh thổ dẫn đến việc leo thang quân sự ở biên giới Ấn - Trung.

Chuyên gia Gene Munster tại công ty đầu tư Loop Ventures dự đoán sẽ có lượng lớn iPhone được sản xuất tại Ấn Độ nhưng sản lượng sẽ tăng với tốc độ chậm.

Tôi nghĩ trong 5 năm tới, 35% iPhone sẽ được sản xuất tại Ấn Độ. Apple sẽ bổ sung việc sản xuất iPhone sang các nước khác ngoài Ấn Độ và Trung Quốc trong khoảng thời gian đó, có thể là Việt Nam, Malaysia và Mỹ”.

Trong một lưu ý gửi khách hàng, nhà phân tích Harsh Kumar của công ty dịch vụ tài chính Piper Jaffray viết rằng: “Dù Apple đã nỗ lực chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng theo chúng tôi, Ấn Độ vẫn chiếm chưa đến 5% tổng sản lượng iPhone 14 và có khả năng chỉ hỗ trợ mức độ hạn chế tại thời điểm này”.

Foxconn đang đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất ở Ấn Độ, với kế hoạch tăng gấp 4 lần lực lượng lao động tại nhà máy iPhone của họ trong vòng 2 năm, theo các quan chức chính phủ am hiểu về vấn đề này.

Hãng dịch vụ tài chính J.P.Morgan dự đoán ​​Apple sẽ chuyển khoảng 5% sản lượng iPhone 14 sang Ấn Độ từ cuối năm nay và sản xuất 25% số iPhone ở Ấn Độ vào 2025.

J.P.Morgan ước tính rằng khoảng 25% tổng số sản phẩm của Apple, gồm cả iPhone, Mac PC, iPad, Apple Watch và AirPods, sẽ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc vào năm 2025 so với 5% hiện nay.

Sơn Vân