Trung Quốc vất vả việc tiêm vắc xin COVID-19 cho người già
Quốc tế - Ngày đăng : 09:32, 14/12/2022
Trên các kênh truyền thông Trung Quốc thời gian qua tràn ngập thông điệp dùng vắc xin dạng hít không hề khó chịu mà chỉ giống như “uống trà sữa”, không đau và có vị hơi ngọt.
Thông điệp trên rất quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc từ bỏ loạt hạn chế chống dịch nghiêm ngặt chuẩn bị đón nhận làn sóng lây nhiễm COVID-19 có thể làm quá tải hệ thống y tế. Giới chức nước này hiện phải nỗ lực thuyết phục người dân rằng vắc xin không đáng sợ, giúp đảm bảo nếu mắc bệnh thì sẽ không bị trở nặng.
Mức độ nguy hiểm của làn sóng lây nhiễm sau khi từ bỏ “Zero COVID” tùy thuộc vào việc liệu nhóm dân số cao tuổi có chịu tiêm chủng hay không.
Vậy mà 40% nhóm dân số cao tuổi nhất Trung Quốc chưa được tiêm nhắc lại - mũi tiêm mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định rất quan trọng. Nhiều gia đình còn do dự về độ an toàn của vắc xin, kể cả loại vắc xin dạng hít, với thành viên cao tuổi trong nhà.
Giới chuyên gia y tế cảnh báo việc từ bỏ loạt hạn chế chống dịch rồi mới tổ chức tiêm chủng rộng rãi có thể là quá muộn để chống lại làn sóng lây nhiễm mới. Các quốc gia khác thường dành nhiều tháng triển khai trước lúc nới lỏng.
Giới chức Hồng Kông không khuyến khích người cao tuổi tiêm chủng cho đến khi một đợt dịch bùng phát đầu năm nay. Hậu quả là COVID-19 có tỷ lệ tử vong cao kỷ lục.
Theo chuyên gia y tế Huang Yanzhong (Hội đồng Quan hệ đối ngoại): “Lý tưởng nhất là chuẩn bị sẵn sàng trước khi mở cửa. Đây là quá trình chuyển đổi gập ghềnh chứ không suôn sẻ”.
Giới chức Trung Quốc mới đây phát động chiến dịch tiêm chủng tập trung cho nhóm dân số cao tuổi hồi 2 tuần trước. Họ cam kết đem vắc xin đến từng nhà và viện dưỡng lão, lập cơ sở tiêm chủng dã chiến, tung ra vắc xin dạng hít tiện lợi hơn, tất cả đều nhằm đánh tan tâm lý hoài nghi.
Đầu năm 2021 khi tung ra vắc xin tự sản xuất, Trung Quốc giới hạn độ tuổi tiêm chủng là 18 - 59. Điều này vô tình thúc đẩy thông tin sai lệch và khiến nhóm dân số cao tuổi do dự.
Các gia đình không đưa thành viên cao tuổi đi tiêm vì lo ngại vắc xin khiến bệnh nền của họ diễn biến nghiêm trọng. Cơ sở dã chiến không dám tiêm vì không có hồ sơ sức khỏe của người cao tuổi. Nhiều người cảm thấy không cần tiêm vì chẳng hề có ca mắc nào cả (do hạn chế nghiêm ngặt).
Anh Nicolas Tian khuyên ông bà anh không tiêm vắc xin do giới hạn độ tuổi mà giới chức Trung Quốc đặt ra trước đó. Bản thân anh cũng chỉ tiêm vì công việc của một công chức yêu cầu.
Trung Quốc công bố rất ít thông tin về số vắc xin tự sản xuất mà nước này phê duyệt sử dụng. Ngay cả loại vắc xin dạng hít mới cũng chỉ được truyền thông cùng giới chuyên gia trong nước giới thiệu là hiệu quả, an toàn, phù hợp với người cao tuổi.
Có không ít loại vắc xin dạng hít đang ở giai đoạn phát triển. Chúng chỉ mới chứng minh hiệu quả trong thí nghiệm, hiệu quả thực tế chưa rõ.
Dù chưa có dữ liệu đầy đủ, nguy cơ làn sóng lây nhiễm sau khi từ bỏ “Zero COVID” cũng đủ để thúc đẩy Trung Quốc triển khai vắc xin dạng hít.