TS Vũ Tiến Lộc: Cứ 10 DN được thành lập lại có 7 DN ngừng hoạt động là điều rất đáng suy nghĩ
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:56, 14/12/2022
Kinh tế phục hồi tích cực
Ngày 14.12, tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023”, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng việc phục hồi kinh tế trên nhiều mặt của Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực. Một số lĩnh vực đạt được như trước khi có dịch, diễn ra tích cực ở tất cả các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực.
“Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%, trong khi lạm phát bình quân tăng hơn 3%, xuất khẩu tăng khoảng 12%, tiêu dùng cuối cùng tăng trên 10%, đầu tư tăng khoảng 9%...”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng cũng dễ dàng nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại; thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng; tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại.
“Những chính sách, giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư. Vấn đề pháp lý, nguồn vốn, thị trường và lao động cho doanh nghiệp cũng cần thời gian để giải quyết...”, ông Hùng nói và cho rằng một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ.
TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay trong 11 tháng kể từ đầu năm đã có 123.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.
Theo đó cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì 7 doanh nghiệp ngừng hoạt động, đây là con số đáng suy nghĩ. Bản chất của hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường, nó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề việc làm, vấn đề niềm tin trong nền kinh tế...
“Nếu nhìn sâu vào bức tranh doanh nghiệp, thì có thể thấy doanh nghiệp của ta đang gặp rất nhiều khó khăn khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Năm 2020, có 39,7% doanh nghiệp có lãi, 41% hòa vốn. Thế nhưng, năm 2022, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp không tăng vì doanh nghiệp đã suy kiệt sau 2 năm chống chọi COVID-19, giờ lại đương đầu với nhiều khó khăn từ suy thoái, chiến tranh bên ngoài, đứt gãy chuỗi cung ứng…”, ông Lộc nói.
Năm 2023 còn nhiều thách thức
Về năm 2023, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng thách thức bên ngoài vẫn hiện hữu. Trong đó có rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn; cho dù rằng giá xăng dầu - khí đốt và hàng hóa khác đang có xu hướng giảm nhẹ, nhưng khả năng bảo hộ thương mại - đầu tư có xu hướng tăng; kinh tế thế giới suy thoái nhẹ làm giảm nhu cầu thương mại khiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn; thu hút đầu tư FDI và các nguồn lực khác sẽ chậm lại…
Như vậy, ông Hùng cho rằng áp lực từ bên ngoài đối với lạm phát, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam sẽ nhẹ hơn. Kéo theo đó, rủi ro ở khu vực sản xuất, tài chính - tiền tệ, bất động sản sẽ giảm theo.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng yếu tố rủi ro này chưa chấm dứt trên toàn cầu, ở một số nền kinh tế vẫn còn ở mức cao, tác động đến thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản của Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Thêm nữa, năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...).
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng “dự báo như vậy nhưng sẽ có biến đổi khó lường. Chúng ta chỉ có tể nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi. Đây sẽ là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sẽ được mở rộng hơn nữa”.
Theo ông Lộc, ngày nay có nhiều doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, sẽ có sức chịu đựng lớn hơn, nhất là qua đại dịch vừa rồi sẽ nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của đối tác, người lao động, bạn hàng… tốt hơn nhiều.
“Một vấn đề nữa, đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn cần được tiếp cận một cách đúng đắn hơn nữa. Chuyển đổi số chỉ là phương thức, chúng ta cần có những chính sách giải pháp để thúc đẩy giải pháp này”, ông Lộc nói.
Ngoài ra, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nữa là các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý. “Chúng ta không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần môi trường an toàn trong thể chế, minh bạch, công bằng, không hình sự hóa”.
Xét về tổng thể, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và đang được tiếp cận tháo gỡ... Với những lợi thế này, cơ hội để “vượt điểm nghẽn” trong năm tới là rất lớn.
“Năm 2023, cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng còn tiếp tục nên tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm có thể vẫn diễn ra, đòi hỏi giải pháp mềm dẻo, linh hoạt, đảm bảo cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ dám làm”, ông Hùng nêu.