TP.HCM: Đề xuất xếp hạng di tích cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn và tổ chức tọa đàm khoa học
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 14:10, 14/12/2022
Theo Sở VH-TT TP, việc tổ chức tọa đàm khoa học di tích lịch sử nhằm tập hợp ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu, các vị lão thành cách mạng và các nhân chứng lịch sử để xác định rõ về tên gọi di tích, qua đó tiếp tục tập hợp tư liệu, các ý kiến nhận xét, đánh giá liên quan đến di tích, làm rõ thêm quá trình hình thành di tích, sự kiện lịch sử, ý nghĩa và giá trị của di tích, đề xuất phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích làm cơ sở lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích.
Công văn nhấn mạnh: “Tọa đàm sẽ trao đổi, làm rõ và hiểu thêm về cơ sở cách mạng đảm bảo chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định xây dựng chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; tình hình quản lý, sử dụng sơ sở Nhà số 499/20 đường CMT8, P.13, Q.10 và những đóng góp của di tích đối với hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP và cả nước; một số đề xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di tích”,
Trước đó, Sở VH-TT TP cũng đã tiếp nhận đơn đề nghị xếp hạng di tích của ông Dương Bửu Chánh và ông Trần Trọng Nghĩa về đề nghị xếp hạng di tích đối với “Garage Biệt động Sài Gòn” tại địa chỉ nêu trên; Văn phòng Thành ủy TPHCM cũng có Công văn số 7610-CV/VPTU về quan tâm chỉ đạo giải quyết đề nghị hỗ trợ bảo tồn, phát huy di tích lịch sử cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn; UBND Quận 10 có Công văn số 3961/UBND-VX về việc đề xuất công nhận di tích tại địa chỉ 499/20 đường CMT8, P.13, Q.10.
Sau khi tiếp nhận đơn đề nghị xếp hạng di tích, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM đã giao Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP chủ trì, lập hồ sơ xếp hạng di tích theo quy định đối với căn nhà này. Ngay sau đó, Trung tâm đã có buổi khảo sát và trao đổi về đề xuất xếp hạng di tích đối với cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn tại địa chỉ nêu trên. Ngày 6.12 vừa qua, Sở VH-TT TP đã tổ chức họp khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích Nhà số 499/20 đường CMT8, P.13, Q.10, TPHCM.
Nếu như cơ sở này được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa, nơi đây sẽ trở thành một điểm quan trọng trong Cụm Di tích Lịch sử - Văn hóa của Biệt động Sài Gòn, bao gồm các di tích đã được công nhận như Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968”, Di tích Lịch sử cấp Quốc gia “Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 Biệt động Sài Gòn”, Di tích “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”...
Cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn tại Nhà số 499/20 đường CMT8, P.13, Q.10, TPHCM do ông Dương Bửu Chánh (là con ruột ông Dương Văn Đức) và ông Trần Trọng Nghĩa (là cháu ông Dương Bửu Chánh) đứng tên chủ sở hữu. Trong đơn đề nghị xếp hạng di tích, gia đình đề xuất tên gọi là “Garage Biệt động Sài Gòn”.
Đại diện gia đình cho biết, qua quá trình sở hữu, quản lý, nhận thấy di tích có những giá trị tiêu biểu. Hiện nay, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định (gọi tắt là Câu lạc bộ) đang phối hợp với gia đình và các đơn vị chức năng tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn tại 499/20 đường CMT8, P.13, Q.10, TP.HCM trở thành Di tích lịch sử - văn hóa của TP.HCM.
Ngoài ra, trong công văn gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.HCM, Câu lạc bộ cũng chia sẻ: “Được biết hiện cơ sở cách mạng này đang nằm trong danh sách các hộ giải tỏa dự kiến theo phương án mở rộng hẻm 499 đường CMT8 của địa phương. Do đó, Câu lạc bộ kính báo cáo và kính đề nghị Thành ủy, UBND TP xem xét và chỉ đạo địa phương, ban ngành liên quan hỗ trợ, phối hợp với Câu lạc bộ để bảo tồn, giữ gìn di tích lịch sử”.