Đại gia và đặc phái viên Ma Rốc dính bê bối tham nhũng tại Nghị viện EU

Quốc tế - Ngày đăng : 19:17, 14/12/2022

Theo Politico, một số bí ẩn về đại gia Ma Rốc đang được điều tra liên quan tới cáo buộc vận động hành lang bất hợp pháp cho Qatar và Ma Rốc tại Nghị viện EU.

Các điều tra viên cho biết, thẻ tín dụng thu được trong tay vợ và con gái của cựu thành viên Nghị viện châu Âu Pier Antonio Panzeri đến từ một đại gia người Ma Rốc. Gia đình của Panzeri là một phần của cuộc điều tra quốc tế đang mở rộng của EU.

Trước đó, Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu, bà Eva Kaili đã bị bắt giam vì bị tình nghi nhận hối lộ một số tiền lớn nhằm tác động đến các chính sách của Nghị viện châu Âu. Bà Eva Kaili, quốc tịch Hy Lạp, thành viên của nhóm Liên minh cấp tiến xã hội và dân chủ (S&D) tại Nghị viện châu Âu đã bị cảnh sát tư pháp Bỉ tạm giữ từ ngày 9.12 với nghi vấn là đã nhận hối lộ từ một quốc gia ở Trung Đông.

Cựu thành viên Nghị viện châu Âu Pier Antonio Panzeri được cho là người bị bắt cùng đợt với bà Eva Kaili. Panzeri hiện bị cáo buộc nhận hối lộ, lợi dụng các đồng nghiệp cũ trong Nghị viện châu Âu của mình để mang lợi ích cho Qatar và Ma Rốc.

Vợ của Panzeri, Maria Dolores Colleoni và con gái Silvia Panzeri của ông “dường như biết đầy đủ về các hoạt động”, “và thậm chí còn tham gia vào việc vận chuyển các quà biếu tặng”. Theo tài liệu dẫn độ mà Politico thu được, người đàn ông đằng sau những món quà này là Abderrahim Atmoun, đại sứ Ma Rốc tại Ba Lan. Tuy nhiên, tài liệu không đề cập đến vị đại gia Ma Rốc cấp thẻ tín dụng cho gia đình Panzeri.

Yêu cầu dẫn độ cũng bao gồm các chi tiết của các cuộc thảo luận gia đình, trò chuyện về tiền bạc và mặc cả về kế hoạch kỳ nghỉ sang trọng. Tài liệu cũng tiết lộ vợ của Panzeri hối thúc chồng mở một tài khoản ngân hàng ở Bỉ. Vợ và con gái của Panzeri đều bị cáo buộc tham gia vào một tổ chức tội phạm, tham nhũng và rửa tiền và có nguy cơ phải ngồi tù 5 năm.

Cáo buộc tham nhũng tại Nghị viện châu Âu đang gây ra một cơn địa chấn tại khối. Vụ việc không chỉ tác động đến uy tín của các cơ quan công quyền Liên minh châu Âu mà còn có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ với Qatar và Ma Rốc.

Trong một tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 12.12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã gọi đây là mối quan ngại lớn nhất, đồng thời cho biết bà sẽ xem xét đề xuất thành lập một cơ quan độc lập để xử lý các vấn đề liên quan đến đạo đức trong các định chế châu Âu.

Hoàng Vũ