Việt Nam cam kết mạnh mẽ khi nhận được gói tài chính khí hậu 15,5 tỉ USD

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:21, 15/12/2022

Việt Nam đạt thỏa thuận trị giá 15,5 tỉ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong 3-5 năm tới cho quá trình chuyển đổi xanh.

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN – EU, Việt Nam cùng nhóm đối tác quốc tế bao gồm EU, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã công bố Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam, nhóm G7 và các nước đối tác.

21d940296064893ad075.jpg
Việt Nam và các đối tác đạt thỏa thuận gói tài chính chuyển đổi năng lượng xanh - Ảnh: TTXVN

Gói tài chính khí hậu này sẽ huy động 15,5 tỉ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Chương trình này sẽ là đòn bẩy hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đầy tham vọng về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Chương trình đưa ra 4 mục tiêu: Đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến ở Việt Nam từ năm 2035 thành năm 2030. Giảm phát thải đỉnh của ngành điện tối đa là 30% đến năm 2030, tức từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2. Giảm công suất điện than của Việt Nam từ 37GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2GW và đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030 (so với tỷ trọng hoạch định hiện nay là 36%).

Theo đó, khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm từ giờ đến năm 2035 nếu các mục tiêu này được thực hiện thành công. Trong 12 tháng tới, Việt Nam sẽ làm việc cùng các nước đối tác để xây dựng Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thực triển khai chiến lược và tài trợ của JETP.

Việt Nam là quốc gia thứ ba đạt thỏa thuận JETP, sau Nam Phi và Indonesia. Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, JETP Việt Nam đang chứng minh rằng, tăng trưởng kinh tế có thể tách rời khỏi việc tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch. JETP Việt Nam được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) của nhóm các quốc gia G7 do Vương quốc Anh khởi xướng.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng: "Với thỏa thuận này, Việt Nam đang đi đầu trong việc xây dựng một mô hình hợp tác mới nhằm đạt được việc chuyển dịch năng lượng công bằng, bao trùm thông qua năng lượng tái tạo. Các cam kết đối tác này là một công cụ quan trọng để giảm phát thải trong thập kỷ 2020 mà thế giới đang cần".

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 15.12, liên quan đến thỏa thuận 15,5 tỉ USD hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng xác nhận, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ JETP.

Đây là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, và hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với sự hỗ trợ của quốc tế.

Việc thông qua tuyên bố chính trị cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ, nhất quán và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay giải quyết một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay.

Bà Hằng nhấn mạnh, tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra rất nhiều thách thức đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi và hợp tác với các nước và các đối tác quốc tế khác, trên cơ sở công bằng, công lý, bình đẳng, cùng có lợi, để vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vừa giảm phát thải nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuyết Nhung