Nam thanh niên bị kéo đâm xuyên tim phổi được cứu sống hy hữu

Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:22, 16/12/2022

Các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, cứu sống nam bệnh nhân bị kéo đâm vào ngực, xuyên qua phổi, tim.

Sáng 16.12, BSCKII Trần Văn Lời - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang xác nhận, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân Đ.V.Ch. (SN 1992, ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) bị kéo đâm vào ngực, xuyên qua phổi, tim, tính mạng nguy kịch.

“Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và được theo dõi, chăm sóc tích cực tại bệnh viện”, bác sĩ Lời nói.

1-cheo-1.jpg
Nam bệnh nhân Ch. đã được các bác sĩ cứu sống khi bị kéo đâm vào ngực, xuyên qua phổi, tim - Ảnh: BVCC

Trước đó, vào lúc 19 giờ 45 ngày 16.12, Ch. nhập viện cấp cứu với vết kéo đâm vào ngực, xuyên qua phổi, tim. Bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, mất nhiều máu, khó thở, huyết áp tụt, các chỉ số sinh tồn báo động...

Các bác sĩ cho biết bệnh nhân nguy kịch do vết thương ngực xuyên thấu phổi - xuyên tim trái, tràn khí, tràn máu màng phổi số lượng nhiều, tràn máu màng ngoài tim, chèn ép tim cấp, gây choáng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Ngay lập tức, các bác sĩ kích hoạt quy trình báo động đỏ, đưa bệnh nhân vào phòng mổ tiến hành gây mê và phẫu thuật mở ngực trái, phát hiện máu nhiều trong khoang lồng ngực, vết thương thủng tim nhĩ trái 2,5 cm.

Ê kíp phẫu thuật khẩn trương mở lồng ngực, khâu vết thương tim, khâu phổi thủng, lấy máu cục, máu bầm, dẫn lưu màng phổi, dẫn lưu màng tim, truyền máu khối lượng lớn và thực hiện liên tục, tích cực hơn 2 giờ đồng hồ.

BSCKII Võ Ngọc Toàn - Khoa Ngoại thần kinh lồng ngực (Bệnh viên Đa khoa trung tâm An Giang) cho biết, vết thương thủng tim - phổi là thương tổn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, cần phải cấp cứu khẩn cấp.

Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng choáng không hồi phục, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Do đó, ca phẫu thuật vết thương tim phổi được xem là phẫu thuật vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có ê kíp phẫu thuật - gây mê hồi sức có trình độ chuyên môn cao.

“Trong trường hợp này, bệnh nhân mất rất nhiều máu, nếu không kịp thời cung cấp đủ lượng máu cũng khiến bệnh nhân có nguy cơ trụy tim, suy đa tạng, tử vong cao. Nhờ kích hoạt quy trình báo động đỏ với sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương của ê kíp phẫu thuật - gây mê hồi sức và khoa huyết học truyền máu đã giúp cuộc phẫu thuật thành công, cứu sống được bệnh nhân”, bác sĩ Toàn cho biết.

Tô Văn