Nguồn cát biển tại Sóc Trăng có thể là giải pháp cho xây dựng cao tốc ở ĐBSCL
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 07:09, 17/12/2022
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa có buổi việc với lãnh đạo một số tỉnh, thành ĐBSCL nhằm tìm kiếm giải pháp cho nguồn cát san lấp các công trình giao thông trọng điểm.
Theo Bộ GTVT, nhu cầu nguồn cát để thi công 400km đường cao tốc ở ĐBSCL là khoảng 39 triệu m3 cát. Trong đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần 18,5 triệu m3 và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần 17,8 triệu m3.
Dự kiến, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tháng 1.2023 sẽ khởi công; còn tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ khởi công vào cuối tháng 6.2023.
Một trong những vấn đề được nhắc nhiều đến những ngày qua là đề xuất sử dụng cát biển để thi công. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm khẳng định qua khảo sát cát biển tại Sóc Trăng cho thấy nguồn cát biển dùng để đắp nền tại đây dồi dào và đủ điều kiện để có thể đáp ứng được cho các dự án cao tốc.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, trữ lượng cát biển của Sóc Trăng khoảng 13 tỉ m3, độ mặn không cao. Đây là điều kiện rất lớn nếu được quan tâm khai thác có thể phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia tại khu vực ĐBSCL.
Sóc Trăng đề nghị Bộ GTVT, Bộ TN-MT và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ hoàn thành dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cũng cho biết, đối với ĐBSCL có nền đất yếu, vì vậy việc thi công nền đường là nhân tố quyết định quan trọng của dự án. Do đó, việc sử dụng nguồn vật liệu cát để đắp nền là hết sức cần thiết và ĐBSCL có những khu vực có nguồn cát dồi dào.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên, khẳng định các Bộ, ngành sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho ĐBSCL. ĐBSCL hoàn toàn có thể chủ động nguồn cát sông cho các dự án cao tốc, đặc biệt là Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang với trữ lượng cát sông được đánh giá dồi dào.
Đồng thời, Bộ TN-MT cho biết trong năm 2023, nhu cầu sử dụng cát là khoảng 16 triệu m3, năm 2024 là 23 triệu m3. Năm 2025, nhu cầu sử dụng không dồn dập nên khả năng tự cân đối, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Qua khảo sát và thực tế triển khai các dự án khu vực ĐBSCL trong thời gian qua, nguồn vật liệu cát đủ tiêu chuẩn sử dụng trực tiếp cho đường cao tốc chủ yếu tập trung ở các tỉnh đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu là An Giang và Đồng Tháp.
Các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu hiện có Sóc Trăng và Vĩnh Long có trữ lượng cát sông đã quy hoạch là tương đối lớn. Các tỉnh còn lại là Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ có nguồn vật liệu cát sông nhưng trữ lượng không lớn và lẫn nhiều bùn sét.
Lãnh đạo 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp cho biết hiện nhu cầu cát san lấp các công trình trọng điểm rất cao; đồng thời cam kết sau khi cân đối sẽ sẵn sàng chia sẻ nguồn cát với các địa phương khác.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Khoảng cuối năm 2023 sẽ có kết quả thử nghiệm dùng cát biển thay thế cát sông để làm dự án cao tốc".
Cụ thể, Bộ GTVT đã chấp thuận triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025.
Vị trí được lựa chọn thí điểm hiện nay là đường hoàn trả ĐT.978, chiều dài của đường là 986m tại Km79+820 tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau với nguồn cát biển được lấy từ Trà Vinh. Dự kiến thời gian thí điểm là khoảng 12 tháng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nêu ý kiến: “Riêng đối với vị trí nghiên cứu sử dụng cát biển để thi công phần đắp hoàn trả (nằm dưới mặt đất tự nhiên) cần sớm có kết quả nghiên cứu, đánh giá để có thể áp dụng ngay (nếu đảm bảo yêu cầu), đáp ứng tiến độ triển khai các Dự án”.