World Cup 2022: Sufferball đã 'hủy diệt' Tiqui-taca

Thể thao - Ngày đăng : 08:51, 17/12/2022

Tiqui-taca, lối chơi từng đưa tuyển Tây Ban Nha 2 lần vô địch EURO (2008, 2012), vô địch World Cup 2010; cũng như sự thống trị thế giới ở cấp câu lạc bộ của Barcelona, đã chính thức bị khai tử tại World Cup 2022 bởi... Sufferball.

Tiqui-taca là lối chơi kết hợp giữa "chuyền" (tiqui) và "chạy" (taca). Những đường chuyền của Tiqui-taca đa phần ở cự ly trung bình - ngắn và tần số di chuyển không bóng của cầu thủ ở mức cao. Cơ bản 2 yếu tố này đan xen với nhau, làm cho đội chơi Tiqui-taca luôn kiểm soát được bóng và có cơ hội xuyên phá hàng phòng ngự đối phương.

Trong khi đó Sufferball không phải là “đặc sản” của riêng đội bóng nào, mà là phong cách chơi chủ đạo, đem lại sự thành công cho các đội trung thành với “sufferball” trong các giải đấu từ EURO 2016 cho đến World Cup 2018 và đặc biệt tại World Cup 2022.

Sufferball là sự từ bỏ ý thức tấn công ồ ạt để giảm tối đa rủi ro ở tuyến sau. Sufferball là một lối chơi đúng như tên gọi: đem đến sự đau khổ không chỉ cho chính mình mà còn cho đối thủ và cả khán giả. Sufferball đang cố gắng trở nên vững chắc trong phòng thủ và đủ tốt trong tấn công.

Điều đó có nghĩa là các cầu thủ phải từ bỏ sự ngẫu hứng, sáng tạo trong lối chơi hướng đến vẻ đẹp của bóng đá tấn công tổng lực. Một lối chơi đẹp mà thiếu hiệu quả, đẹp mà không chiến thắng, thì bắt buộc thoái trào và được thay thế bằng ý thức tuyệt đối kỷ luật chiến thuật với phương châm bất di bất dịch: Bóng đá không được phép thua!

Câu lạc bộ hoàn toàn khác đội tuyển quốc gia

Có một thực tế không thể phủ nhận là ở cấp câu lạc bộ, HLV và các cầu thủ có thời gian sinh hoạt, tập luyện cùng nhau suốt mùa giải kéo dài nhiều tháng, trái ngược hoàn toàn với đội tuyển chỉ có vài ngày tập trung cùng nhau hoặc dài nhất là 2 tuần nếu đó là các giải lớn như Euro, World Cup.

Chính sự khác biệt về thời gian mà ở đội tuyển ngày nay các HLV có xu hướng tập trung rèn luyện các phương án phòng thủ nhiều hơn là tấn công. Đơn giản là vì tập và hoàn thiện khả năng tấn công đa dạng khó nhuần nhuyễn hơn, phức tạp hơn rất nhiều so với xây dựng tuyến phòng ngự vững chắc nhiều tầng.

Ngoài ra ở cấp câu lạc bộ khi thi đấu giải vô địch quốc gia, họ đủ hiểu các trận hòa sẽ ảnh hưởng bất lợi đến vị trí trên bảng xếp hạng, vì thế các HLV ngày nay ở cấp CLB dù vẫn áp dụng Sufferball nhưng không áp dụng tuyệt đối, vì một trận thắng có đến 3 điểm so với 1 trận hòa chỉ được 1 điểm.

Thế nhưng ở đội tuyển quốc gia lại khác, thời gian tập trung cũng như thời gian diễn ra giải rất ngắn, nên các HLV không cần nhìn đường dài. Họ chỉ tập trung từng trận, không thắng dễ dàng thì tốt nhất đừng thua. Muốn không thua thì đừng để thủng lưới, mà khi đã để thủng lưới thì số lần đưa được bóng vào lưới đối phương phải nhiều hơn.

Đó là quan điểm: Bóng đá không được phép thua!

Ngay các cúp châu Âu, kể từ vòng đấu loại trực tiếp cũng có 2 lượt trận để quyết định số phận từng đội bóng. Nhưng Euro, World Cup chỉ có 1 trận nên không có chỗ cho sai lầm. Do đó khi số phận được định đoạt trong một trận đấu thì không vội vã. Hòa 90 phút vẫn còn 30 phút hiệp phụ và nếu tiếp tục hòa thì vẫn còn đó sút luân lưu 11m

Đó là sự khác biệt rất lớn giữa câu lạc bộ với đội tuyển quốc gia.

Tại World Cup 2022, người hâm mộ hào hứng với hiện tượng Ma Rốc, đại diện đầu tiên của bóng đá châu Phi vào đến bán kết World Cup. Và Ma Rốc đã thành công là nhờ... Sufferball!

Ma Rốc phòng ngự chặt, nhường thế trận cho đối phương, chấp nhận kiểm soát bóng ít hơn, nhưng nhờ thế mà họ ít bị thủng lưới hơn, và cuối cùng chiến thắng đã thuộc về họ.

Ma Rốc đã loại Tây Ban Nha ở vòng 16 đội như thế nào? Họ chỉ có 22% thời gian kiểm soát bóng so với Tây Ban Nha là 68%; họ cũng chỉ thực hiện được 436 đường chuyền so với Tây Ban Nha là 896.

Tương tự, Ma Rốc loại Bồ Đào Nha ở tứ kết cũng với những con số gần như tương đồng: 22% - 65% và 339 - 780.

Tuy nhiên Ma Rốc đã bị Pháp loại ở bán kết bằng chính Sufferball. Pháp chấp nhận kiểm soát bóng ít hơn (34% - 55%), thực hiện đường chuyền cũng ít hơn (330 - 702), và cuối cùng Pháp đã thắng Ma Rốc 2-0 để vào chung kết.

Trận bán kết trước đó giữa Argentina và Croatia cũng thế. Argentina thắng cách biệt Croatia 3-0 nhưng thời gian kiểm soát bóng ít hơn (34% - 54%) và số lượng thực hiện đường chuyền cũng ít hơn (349 - 643).

Argentina - Pháp: Đỉnh cao của Sufferball

Khi vô địch World Cup 2018, HLV Deschampss đã tâm sự rằng nếu không có thất bại ở trận chung kết Euro 2016 trước Bồ Đào Nha trên sân nhà thì Pháp chưa chắc vô địch thế giới. Euro 2016, Pháp là nạn nhân của Bồ Đào Nha khi họ áp dụng thứ “bóng đá đau khổ”: Sufferball.

Thời còn là cầu thủ, là thủ quân đội tuyển Pháp vô địch World Cup 1998 và Euro 2000, HLV Deschamps chơi vị trí tiền vệ phòng ngự, một vị trí rất quan trọng khi đem lại sự cân bằng giữa các tuyến, đặc biệt là chiếc cầu nối giữa phòng ngự và tấn công. Do đó HLV Deschamps hiểu rõ hơn ai hết giá trị của sự vững chắc, không thua.

World Cup 2018, Pháp đã lên đỉnh vinh quang bằng Sufferball, trong đó trên đường đến chức vô địch, Pháp của HLV Deschamps đã loại Argentina của Messi 4-3 trong một trận đấu kịch tính ở vòng 16 đội.

Lần gặp lại này, không chỉ là trận chung kết trong mơ, không chỉ là Argentina muốn đòi lại món nợ, mà trên hết, cả Argentina lẫn Pháp đều trung thành tuyệt đối với Sufferball. Tại sao?

Vì rằng cả hai đội đều có những mẫu cầu thủ toàn năng vừa có tốc độ, vừa có kỹ thuật hoàn hảo, vừa đủ độ tinh quái để chuyển đổi nhanh trạng thái từ phòng ngự qua phản công. Nói chính xác hơn là chủ động phản công với độ sát thương cao. Và Argentina cũng như Pháp đã cho thấy sự nguy hiểm của họ qua những bàn thắng ghi được ở trận bán kết trước Croatia và Ma Rốc.

Argentina và Pháp đều có chiều sâu đội hình đồng đều ở 3 tuyến. Cả hai đội cùng sở hữu những ngôi sao lớn và trận đấu sẽ phụ thuộc nhiều vào cặp đấu ở tiền vệ giữa Enzo Fernandez với Antoine Griezmann cùng khả năng bùng nổ giữa Messi - Mbappe.

***

Đội nào vô địch? Không ai có thể nói trước cho dù Pháp nhỉnh hơn Argentina là 55 - 45. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Sufferball, bóng đá chịu đựng, bóng đá gian khổ đã lên ngôi.

Như trên tôi đã viết, Sufferball không của riêng đội nào mà là xu hướng của cả giải, khi vẫn có nhiều đội thành công với Sufferball tại World Cup 2022 như Croatia, Thụy Sĩ, Ba Lan, Úc, Nhật Bản...

World Cup 2022: Sufferball đã “hủy diệt” Tiqui-taca!

Đặng Hoàng