Xu hướng chuyển đổi thành ‘siêu ứng dụng’ của các công ty Fintech
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:20, 17/12/2022
Tiềm năng phát triển của Fintech Việt Nam
Theo Báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022 do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (NATEC), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo (BambuUP) công bố, năm 2021 vẫn là một năm phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ tài chính (Fintech) thế giới.
Cụ thể, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các công ty Fintech đạt trị giá 125 tỉ USD, tăng trưởng gấp 2,8 lần so với năm 2020. Số lượng các công ty kỳ lân cũng gia tăng vượt bậc từ 51 kỳ lân (năm 2020) lên 193 kỳ lân (năm 2021).
Fintech tiếp tục dẫn đầu trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm năm 2021 và quý 2/2022, chiếm 21% trên tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn thế giới. Trong đó, lĩnh vực thanh toán nhận được sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang có lợi thế nhất định về cơ sở hạ tầng cho viêc chuyển đổi số. Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao, 70% dân số sử dụng internet, giá thành internet rẻ và tốc độ internet trên thiết bị di động nhanh, đã thúc đẩy sự gia tăng của lĩnh vực thanh toán số thông qua giao dịch trực tuyến. Từ đó, kéo theo sự phát triển của các dịch vụ tài chính như cho vay, đầu tư và bảo hiểm.
Đáng chú ý, quy mô ngành Fintech của Việt Nam đã tăng đáng kể từ 39 công ty (năm 2015) lên 188 công ty vào tháng 9.2021.
Với tiềm năng phát triển của Fintech Việt Nam, các nhà đầu tư tiếp tục rót thêm vốn vào các công ty khởi nghiệp trong năm 2021. Theo số liệu từ Tech in Asia năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào thị trường đã đạt 580 triệu USD; trong đó các thương vụ liên quan đến lĩnh vực thanh toán lõi và cho vay tiêu dùng được nhiều sự quan tâm nhất.
Dù có những thuận lợi đến từ tiềm năng thị trường và sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước, nhưng thị trường Fintech tại Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn. Báo cáo chỉ ra những thách thức đến từ khung pháp lý chưa rõ ràng và đầy đủ, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập MoMo, các dịch vụ tài chính công nghệ được xây dựng để tiếp cận khách hàng thu nhập trung bình và thấp, chiếm khoảng 70% dân số Việt Nam. Đây là thị trường lớn, có nhu cầu cao đối với các dịch vụ tài chính vi mô và chưa được đáp ứng một cách triệt để.
Ông Diệp cũng cho rằng mặc dù khung pháp lý hiện chỉ mới tập trung vào lĩnh vực thanh toán, tuy nhiên, mô hình thử nghiệm có kiểm soát sắp được ban hành sẽ là tiền đề cho các dịch vụ mới phát triển không chỉ trong lĩnh vực thanh toán, mà còn bao gồm cả đầu tư, quản lý tài sản, tài chính cá nhân…
Đa dạng hóa nền tảng
Báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022 cũng chỉ ra xu hướng của ngành công nghệ tài chính. Trong đó có nhắc tới cuộc đua trở thành “siêu ứng dụng” tại châu Á.
Theo đó, một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng chuyển đổi thành siêu ứng dụng của các công ty Fintech là mục tiêu tìm kiếm khách hàng mới và tăng giá trị cộng hưởng cho khách hàng cũ. Ngoài ra, việc định hướng trở thành siêu ứng dụng còn giúp các công ty đa dạng hóa nền tảng tiếp thị kỹ thuật số, tránh phụ thuộc nhiều vào Facebook hay Google.
Điển hình như Grab cung cấp các dịch vụ như giao hàng, giao đồ ăn, đặt xe… Ngoài ra còn các siêu ứng dụng nổi tiếng khác được nhắc tới, như Wechat, Alipay (Trung Quốc), Kakao (Hàn Quốc), Zalo (Việt Nam)…
Trong xu thế đó, MoMo - kỳ lân công nghệ của Việt Nam cũng nuôi tham vọng trở thành siêu ứng dụng với chiến lược Mini app, hoạt động trong cơ chế ứng dụng trong ứng dụng, cho phép doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh có thể tích hợp ứng dụng của mình vào nền tảng MoMo.
Cùng với đó, thanh toán không tiền mặt - ví điện tử vẫn đón nhận tín hiệu lạc quan. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các giao dịch rút tiền mặt qua ATM đã giảm mạnh từ 26% (năm 2020) xuống còn 12%. Trong khi đó, các giao dịch không dùng tiền mặt đã tăng 27,5% về giá trị trong 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.