Trẻ em Ukraine tỵ nạn đối mặt thách thức trong trường học ở Đức

Chuyển động - Ngày đăng : 20:11, 17/12/2022

Trẻ em Ukraine tỵ nạn có được học tốt tại Đức hay không còn tùy nơi các em sống, và điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả quá tầm.
lop-ukraine2dpa.jpg
Trẻ em tỵ nạn Ukraine trong “lớp chào mừng”- Ảnh: DPA

Theo Trung tâm Đăng ký Người Nước Ngoài , khoảng 1,02 triệu dân Ukraine tỵ nạn đã đăng ký với chính quyền Đức từ tháng 11.2022. Khoảng 35% trong số này là trẻ em và người trẻ dưới 18 tuổi, và hầu hết đang ở cấp tiểu học.

Luật Đức quy định các trẻ em này phải đi học, giống như trẻ em Đức. Tại các trường, ban đầu các em được dạy riêng vì không thể nói tiếng Đức, trong các “lớp chào mừng”, tức các lớp dự bị.

Trẻ em Ukraine thích được ở lại Đức

Natalia Roesler của Mạng lưới các Tổ chức Di trú vì Học tập và Hội nhập (BBT) rất mừng vì việc bắt buộc trẻ tỵ nạn đi học. Bà cho biết: “Chúng tôi biết 50% số người tỵ nạn vì chiến tranh nay muốn ở lại, thậm chí muốn ở lại quá 2 năm”.

Sau chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine, người tỵ nạn Ukraine ở Đức được xếp vào diện “bảo vệ tạm thời”, hưởng quy chế tạm trú 1 năm nhưng có thể được tăng lên 6 tháng/lần và trong 2 lần.

Vậy là ngược với lúc đầu, hầu hết người tỵ nạn đều hy vọng sẽ sớm được trở về quê hương nên không sẵn sàng cho con cái đi học trường Đức, nhất là khi trẻ em có thể theo đuổi việc học ở quê nhà bằng cách học trực tuyến.

Anna Bobrakova vui mừng vì hai con trai 15 và 12 tuổi của bà rất thích đi học và hầu như đều đạt điểm 1, là mức điểm cao nhất trong hệ thống giáo dục Đức. Các con bà đều học tại một trường dạy ngữ pháp ở Berlin, và Bobrakova cho biết hai con bà ham học vì bà có dọa chúng nếu không chịu khó thì cả ba mẹ con sẽ phải quay về Ukraine.

Sau 9 tháng ở Berlin, hai đứa trẻ không muốn về Ukraine, và chỉ muốn ở lại Đức, giống như nhiều bạn đồng trang lứa cũng đi tỵ nạn.

lop-ukraine.jpg
Trẻ em Ukraine học ở Đức - Ảnh: Reuters

Hiện có khoảng 201.000 trẻ em và trẻ vị thành niên Ukraine học ở các trường Đức. “Đó là một thành tựu lớn của sự hội nhập”, theo Karin Prien, hiện là chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng Giáo dục Đức (KMK), cơ quan quản lý ngành giáo dục của 16 bang. 

Dù vậy, KMK chưa có bộ hướng dẫn dành cho việc học của trẻ em tỵ nạn trên toàn Đức. Việc các em hội nhập trực tiếp vào các trường chính khóa, hoặc trước tiên phải học lớp dự bị - “lớp chào mừng”- còn phải tùy vào việc các em sống ở đâu. Tại vài bang, các em có thể họ chính khóa sau khi học đủ để biết tiếng Đức. Tại các nơi khác, học sinh Ukraine được xếp học dự bị trong tối đa 1 năm.

Rosler của BBT nói rất khó để giúp người Ukraine hiểu chuyện, và một số phụ huynh bị sốc khi có đến 16 hệ thống giáo dục khác nhau tại Đức.

Tiếng Đức là một trong số tiếng nước ngoài được dạy tại các trường học Ukraine, nhưng chỉ một số ít học sinh đạt trình độ thạo tiếng Đức, điều cho phép chúng lập tức hội nhập tốt vào hệ thống trường học Đức.

Dù vậy, giáo sư khoa xã hội học Juliane Karakayali tin tưởng sự hòa nhập lập tức vào học chính khóa thì tốt hơn là để trẻ em học dự bị.

Đức hiện thiếu 30.000 giáo viên. Theo chuyên gia Karakayali, việc cần làm là tuyển chọn các giáo viên Ukraine, để họ giúp các em theo kịp chương trình học trực tuyến của Ukraine. Nhưng theo thời gian, sẽ có rất ít trẻ em học thêm vào buổi chiều, sau khi kết thúc giờ học ở trường Đức.

Bà nhấn mạnh, sự kỳ thị người tỵ nạn tại các trường học gây ra nhiều hậu quả tiêu cực hơn là kết quả tích cực.

Và bà cho rằng các “lớp chào mừng” là một hệ thống song hành, không giúp hòa nhập vào hệ thống trường chính khóa và bêu xấu học sinh. Do không có chương trình cố định cho các học sinh này, việc trẻ em học được gì thường tùy thuộc vào giáo viên.

Bà Karakayali đã nghiên cứu các “lớp chào mừng”, từ lúc dòng tỵ nạn Ukraine đến Đức nhiều nhất trong hai năm 2015-2016. Bà phát hiện ngay cả khi không có người tỵ nạn Ukraine, các trường học Đức cũng đã bị quá tải vì quá thiếu giáo viên và lớp học.

Bà nói: “Thường thì các học sinh này bị bỏ vất vưởng đâu đó, và không ai quan tâm đến tương lai của chúng. Trường không muốn chúng là một gánh nặng khác”.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz ủng hộ ý kiến phản đối của bà Karakayali. Báo cáo của Viện nói tỷ lệ trẻ tỵ nạn học xong tiểu học bị giảm đáng kể, nếu các em phải học các lớp dự bị thay vì được dự các lớp học chính khóa. Trẻ học lớp dự bị cũng ít có khả năng vào trung học, nơi sẽ giúp chúng chuẩn bị học lên cao hơn.

Một giáo viên tiểu học 27 tuổi giấu tên ở bang Baden-Wurttemberg cho báo Deutsche Welle biết rằng từ đầu năm học hồi tháng 9, cô dạy các trẻ Ukraine từ 6 đến 12 tuổi trong một lớp dự bị.

Cô cho biết: “Chúng tôi không được hướng dẫn phải dạy gì cho trẻ em tỵ nạn. Trường chúng tôi còn một lớp dự bị khác dành cho trẻ nói tiếng Ả rập hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Không may là vì không đủ giáo viên, chúng tôi phải ráp hai lớp với nhau”.

Cách dạy những lớp này không liên quan cách dạy bình thường, cô giáo phải tiếp xúc bằng tay, chân và nhờ phần mềm dịch thuật Google.

Cô nói: “Có những bài học cơ bản trong tiếng Đức và môn toán, nhưng độ tuổi của học sinh lại quá chênh lệch. Chúng tôi phải chỉ dẫn từng em một làm bài trước khi cho chúng tôi xem kết quả”.

Bảo Vĩnh