Doanh nghiệp ít đơn hàng, công nhân mất việc phải về quê trước Tết vài tháng

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:34, 19/12/2022

Trong bối cảnh sau 2 năm chống chọi với đại dịch, người lao động đã không còn tích lũy thì việc chịu thêm cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người lao động.

Lao động phải về quê trước Tết cả tháng

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9 đến nay, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình họ.

Ông Hiểu cho biết, mọi năm, đây là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai kế hoạch tăng ca, đảm bảo đơn hàng cho các đối tác. Tuy nhiên, năm nay, hàng vạn người lao động về quê đón Tết trước hàng tháng là vấn đề lớn, rất đáng quan tâm.

“Số lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm 2022 cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Thống kê tại 4 tỉnh, thành phố phía nam cho thấy TP.HCM tăng 25,88%, Bình Dương tăng 39,08%, Đồng Nai tăng 54,69% và Tiền Giang tăng 66,5%”, ông Hiểu nói.

Theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9.2022 cho đến hết ngày 10.12.2022 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động.

cong-nhan-pouyuen-1-.jpg
Hơn 41 nghìn công nhân lao động bị chấm dứt hợp đồng

Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 433.908 người, chiếm 90% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 6.570 người, chiếm 1,36%, chấm dứt hợp đồng lao động với 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng).

Tình trạng này chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía nam như TP.HCM (52.290 người), Long An (16.180 người), Tây Ninh (26.086 người), Đồng Nai (111.163 người), Bình Dương (87.555 người), An Giang (10.995 người)... Tổng chung khu vực phía nam có 341.544 người lao động bị ảnh hưởng, chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc.

Điều đáng quan tâm là có đến 36% người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và có khoảng 8% trong số đó là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và khoảng 5% là lao động nữ đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Lao động mất việc – hệ lụy không nhỏ

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần.

Cụ thể, đối với nền kinh tế, đó là sự giảm sút về năng suất lao động, giảm sút về tổng sản phẩm, về giá trị kinh tế và kéo theo là ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022, thậm chí sang những tháng tiếp theo của năm 2023, tác động tới cân đối lớn của cả nền kinh tế.

Đối với thị trường lao động, loại trừ yếu tố biến động cục bộ, việc người lao động mất việc hiện nay sẽ tác động lớn đến tính bền vững của thị trường; thúc đẩy dòng chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức diễn ra mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.

Thêm vào đó, tình trạng này cũng làm giảm lực lượng lao động có tay nghề, kinh nghiệm, đã qua đào tạo khỏi thị trường (vốn đã thiếu hụt lao động chất lượng cao); giảm nguồn cung của thị trường trong ngắn hạn (hiện nay đang xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động mới dù nhiều lao động mất việc làm).

“Những điều này khó có thể bù đắp được trong ngắn hạn”, ông Hiểu nhận định.

hieu.jpg
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Đối với doanh nghiệp, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng việc mất lao động hiện tại có thể chưa mang lại tác động tức thời do doanh nghiệp không có việc làm để giữ người lao động. Nhưng những tháng tới, khi tình hình được cải thiện, tốt dần lên, doanh nghiệp cần lao động có tay nghề chắc chắn sẽ khó tuyển dụng và tốn kém rất nhiều chi phí để có lại được lực lượng lao động như trước.

Còn đối với người lao động, giảm giờ làm là giảm tiền lương, thu nhập; mất việc làm là mất tiền lương, mất thu nhập. Trong bối cảnh sau 2 năm chống chọi với đại dịch, người lao động đã không còn tích lũy còn lại phải chịu thêm cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người lao động, đặc biệt là lao động yếu thế như lao động nữ, lao động nhiều tuổi, lao động là người khuyết tật…

“Trong bối cảnh bình thường, nhiều người lao động đã phải sống tằn tiện, gửi con về quê, đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần gần như bỏ trống, không có hoặc có rất ít tích lũy, rất dễ bị tổn thương trước biến cố hoặc khủng hoảng. Hình ảnh hàng đoàn người lao động xếp hàng rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong suốt năm 2022 và đang “bùng” trở lại những tháng cuối năm này ở khu vực phía nam là hệ lụy khó tránh khỏi khi người lao động quá khó khăn, không còn nơi “bấu víu”', ông Hiểu chia sẻ.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, trong thời gian tới tình hình thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn, biến động khó lường; dự báo có thể xảy ra suy thoái toàn cầu; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn với Việt Nam.

Còn trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.

Theo đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý 1, thậm chí quý 2/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.

Theo tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.

Lam Thanh