Đức vẫn là ‘thiên đường’ của Huawei ở châu Âu?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:00, 20/12/2022

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn chưa từ bỏ thói quen sử dụng bộ công cụ Trung Quốc cho mạng viễn thông 5G của mình.

Politico (Mỹ) dẫn một nghiên cứu phân tích thị phần của Huawei ở châu Âu, ước tính rằng Đức phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc cho 59% mạng lưới 5G của họ. Các thị trường trọng điểm khác như Ý, Hà Lan cũng nằm trong số 8 quốc gia sử dụng nhiều nhất thiết bị mạng 5G của Trung Quốc.

Nghiên cứu của Công ty tư vấn viễn thông Strand Consult có trụ sở tại Copenhagen (Đan Mạch) cung cấp cái nhìn hiếm hoi về cách một số nhà khai thác viễn thông đã dựa vào các nhà cung cấp Trung Quốc Huawei và ZTE trong giai đoạn đầu triển khai 5G của châu Âu. Các số liệu cũng nhấn mạnh một số chính phủ ở châu Âu đã chậm chạp trong việc ngăn cấm nhiều nhà khai thác mạng dùng Huawei.

huawei.png
Tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei vẫn đang có ảnh hưởng nhất định tại châu Âu - Ảnh: Politico

“Nói dễ hơn làm. Việc phụ thuộc vào các mạng viễn thông của Trung Quốc còn nguy hiểm hơn là phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là nền tảng của xã hội", John Strand - người sáng lập Công ty tư vấn Strand Consult nói về sự do dự của các nước EU trong việc đưa ra rào cản rõ ràng đối với việc sử dụng thiết bị viễn thông Trung Quốc.

Quan chức cấp cao phụ trách vấn đề kỹ thuật số của Ủy ban châu Âu, Margrethe Vestager tháng trước cũng cho biết “một số quốc gia dù đã thông qua luật nhưng lại chưa thực thi luật đó".

Nhiều chính phủ ở châu Âu trong 2 năm qua đã áp đặt các chính sách an ninh đối với ngành viễn thông để cắt giảm thiết bị từ Trung Quốc. Ở một số quốc gia, điều này đã dẫn đến việc ngừng sử dụng hoàn toàn Huawei và ZTE.

Nghiên cứu của Strand Consult ước tính rằng có 9 quốc gia EU, như Na Uy và Quần đảo Faroe, hoàn toàn không có thiết bị của Trung Quốc trong các mạng 5G mới. Trong khi đó, Pháp và Bỉ có 17% và 30% sự hiện diện của thiết bị Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng chính sách của EU về việc sử dụng công nghệ Trung Quốc trong 5G là một sự chắp vá. Một số nơi tại châu Âu vẫn cho phép các nhà khai thác dựa vào Huawei để trang bị cho bộ phận trong hệ thống mạng của mình.

Đáng chú ý, chính phủ Đức trong 2 năm qua đã bị chỉ trích vì chậm thiết lập khung pháp lý cho phép chính quyền can thiệp vào những hợp đồng giữa các nhà khai thác và nhà cung cấp mạng viễn thông.

Sau khi lên nắm quyền, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã có lập trường cứng rắn hơn đối với công nghệ Trung Quốc. Berlin tháng trước đã chặn các nhà đầu tư Trung Quốc mua một nhà máy sản xuất chip của Đức vì lo ngại các mối đe dọa an ninh tiềm tàng.

Tuy nhiên, công ty viễn thông lớn nhất của Đức Deutsche Telekom vẫn đang duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược với Huawei trong nhiều năm và đã cùng các công ty viễn thông khác hợp tác với công ty Trung Quốc trong giai đoạn đầu triển khai 5G, báo cáo của Strand Consult cho biết.

Tại Ý, chính phủ cũ do Mario Draghi lãnh đạo, được coi là thân Mỹ, đã can thiệp vào một số thỏa thuận với Huawei, nhưng vẫn chưa rõ chính phủ hiện tại do tân Thủ tướng cực hữu Giorgia Meloni lãnh đạo sẽ có động thái như thế nào.

Ở các quốc gia khác, như Hà Lan chẳng hạn, các nhà khai thác đã nhanh chóng triển khai mạng 5G bằng cách sử dụng Huawei. EU trong vài tháng qua đã liên tục chỉ trích tốc độ chậm chạp của các quốc gia trong việc áp dụng các hướng dẫn chung về "công cụ bảo mật 5G" nhằm giảm thiểu rủi ro bảo mật trong mạng, theo một số văn bản lập pháp.

Dữ liệu của Strand Consult, được thu thập từ các công ty trong ngành viễn thông tại châu Âu trong những tháng qua, cho thấy Huawei đã nhanh chóng cung cấp cho các nhà mạng thiết bị 5G trong giai đoạn đầu tiên triển khai ở EU.

Vào đầu năm ngoái, ngay khi các quan chức châu Âu đang thay đổi định hướng về bảo mật 5G, Công ty Ericsson của Thụy Điển đã vượt Huawei về thị phần doanh số bán thiết bị mạng truy cập vô tuyến mới ở châu Âu cho thiết bị 3G, 4G và 5G. Huawei đã mất vị trí dẫn đầu thị trường khi bắt đầu triển khai 5G.

Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã củng cố hoạt động của mình ở châu Âu bằng cách thu hẹp quy mô hoạt động vận động hành lang và xây dựng thương hiệu trên một loạt thị trường quan trọng, gồm cả Pháp, Anh, Bỉ.

Hoàng Vũ