Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu, phát triển dữ liệu lớn
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:33, 20/12/2022
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được đưa lên mức độ 4 ước thực hiện năm 2022 là 100%, đạt kế hoạch năm 2022 và tăng 4% so với năm 2021.
Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến/tổng số hồ sơ thủ tục hành chính ước thực hiện năm 2022 đạt 52,8%, vượt 2% so với kế hoạch năm 2022 và tăng 17,5% so với năm 2021. Số lượng giao dịch trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) năm 2022 tăng trưởng đột biến, ước đạt 860 triệu giao dịch, tăng gấp 4,8 lần so với năm 2021.
Theo Bộ TT-TT, nền tảng NDXP được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương, là nền tảng quan trọng trong phát triển chính phủ số. Nền tảng NDXP hiện đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trong đó 8 cơ sở dữ liệu và 12 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu.
Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP tính từ đầu năm 2022 đến ngày 8.12.2022 đã có khoảng 806 triệu lượt giao dịch.
Tuy nhiên, Bộ TT-TT cũng cho biết việc triển khai chuyển đổi số quốc gia vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn nhiều vướng mắc, do mức độ sẵn sàng từ phía hệ thống thông tin của các bộ ngành, địa phương là khác nhau, dẫn đến chưa giải quyết hiệu quả việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Tỷ lệ các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn rất ít, mới đạt 9%. Các bộ ngành, địa phương đang tập trung nhiều hơn cho phát triển chính phủ số/chính quyền số, chưa quan tâm đúng mức trong phát triển kinh tế số và xã hội số. Ngoài ra, nhân lực chuyển đổi số, đặc biệt trong các cơ quan nhà nước còn rất thiếu.
Trên cơ sở đó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 được Bộ TT-TT nêu rõ, bao gồm triển khai các giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc, thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước. Phát triển NDXP để thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, khai thác triệt để các cơ sở dữ liệu quốc gia, tuân thủ Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam; phát triển Nền tảng giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số, nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân (VNFORM) và một số hệ thống thông tin, nền tảng số quan trọng khác; phát triển nền tảng điện toán đám mây chính phủ (CGC) để tạo cơ sở phát triển điện toán đám mây trong các cơ quan nhà nước; hỗ trợ, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát triển các nền tảng số, trong đó tập trung phát triển các nền tảng quản lý, điều hành nghiệp vụ chuyên ngành dựa trên dữ liệu, đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương.
Báo cáo cũng nêu việc hướng dẫn, đôn đốc các bộ ngành, địa phương phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ ngành, địa phương; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu; phát triển dữ liệu lớn; cung cấp dữ liệu mở; định hướng đến năm 2025 tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu trong các chương trình, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Theo đó, cần hướng tới một số chỉ tiêu cơ bản, như Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể phát triển chính phủ điện tử/chính phủ số theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Phổ cập các dịch vụ số thiết yếu tới người dân (tập trung vào 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia)…