Mekong Startup 2022: Chung sức hiện thực hóa khát vọng sáng tạo
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 05:00, 21/12/2022
Chiều 20.12, tại TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp diễn ra phiên toàn thể Mekong Startup 2022.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành khu vực ĐBSCL đã tham dự.
Mekong Startup năm 2022 có chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” với 3 phiên thảo luận chính, bàn về các đề tài có tác động, ảnh hưởng lớn tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL, gồm: Chuyển đổi lúa gạo ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp; Chuyển đổi chuỗi thủy-hải sản ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp; Chuyển đổi chuỗi trái cây hiện đại, bền vững, phát thải thấp.
Tại phiên toàn thể, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định lúa gạo là sản phẩm quan trọng bậc nhất trong nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới.
“Hằng năm Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa (trên 21 triệu tấn gạo). Xuất khẩu bình quân hằng năm từ 6,1 - 6,5 triệu tấn gạo. Riêng năm 2022, ước đạt 7 triệu tấn và chủ yếu nguồn từ ĐBSCL (khu vực miền Bắc sản xuất lúa gạo chủ yếu dạng tự cung tự cấp). Nhiều năm liền xuất khẩu gạo Việt Nam đứng thứ nhì thế giới (sau Ấn Độ), được đánh giá cao và ngưỡng mộ”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng đưa ra một số kiến nghị đến các bộ ngành, địa phương, ngân hàng về việc cần ưu tiên vốn cho doanh nghiệp trong thu mua, xuất khẩu, tạm trữ, đầu tư máy móc thiết bị cho sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo và ổn định tỷ giá ngoại tệ. Cần hạn chế, cấm các loại thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng, đã được một số nước cảnh báo.
Còn theo ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nông dân sản xuất lúa gạo ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng có thu nhập thấp nhất trong các loại hình canh tác nông nghiệp, bình quân từ 30 - 40 triệu đồng/ha.
“Vấn đề cần quan tâm làm sao phải nâng mức thu nhập này lên khoảng 20% để tương đương 55 - 60 triệu đồng/ha thì người nông dân mới có mức thu nhập trung bình bằng các ngành nghề khác trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay các hợp tác xã nông nghiệp ĐBSCL lạm dụng quá nhiều hóa chất nông nghiệp, đồng thời việc quản lý phụ phẩm (rơm, rạ) không chặt chẽ, lãng phí, và điều quan trọng nhất chính là sự thất thoát sau thu hoạch. Nếu chúng ta kiểm soát được hết những vấn đề ấy thì chi phí sản xuất sẽ giảm đi và khả năng thu nhập sẽ tăng lên cao”, ông Thư nhận định.
Cũng tại phiên toàn thể, Ban tổ chức công bố 3 cam kết: Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL; Phát triển các nền tảng công nghệ và đào tạo toàn diện nguồn nhân lực để phục vụ mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”; Xây dựng Đồng Tháp thành “Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực”.
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao diễn đàn Mekong Startup 2022.
“Việt Nam có 10 nhóm hàng nông nghiệp thuộc top 10 xuất khẩu thế giới như tôm, cá tra, cà phê, các sản phẩm từ lâm nghiệp, cao su, gạo chè... Vị thế cao hiện tại đều là công sức, sự nỗ lực và thành quả của những người làm nông nghiệp.
Song hành cùng thành tựu trên, Việt Nam cũng có những cam kết, kế hoạch quốc gia hướng đến bền vững. Phó thủ tướng cho biết những kế hoạch này đều được đánh giá cao trên trường quốc tế.
Điều đó thể hiện Việt Nam có trách nhiệm với môi trường thế giới, đồng thời xác định rằng ngoài đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 100 triệu dân, Việt Nam cũng sẽ cố gắng góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới, sẵn sàng vì mình và cộng đồng quốc tế".
Về sự góp sức của các doanh nghiệp startup tại ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, Phó thủ tướng khuyến khích các đơn vị, địa phương có thể luân phiên tổ chức những diễn đàn, sự kiện tương tự, không ngừng đổi mới sáng tạo, luôn có những cách làm mới.
Những sự kiện tương tự Mekong Startup 2022 sẽ là nơi quy tụ của Chính phủ, doanh nghiệp lớn cùng cộng đồng startup để cùng chung sức hiện thực hóa khát vọng sáng tạo.
Sự cổ vũ về tinh thần và hỗ trợ từ chính quyền cũng sẽ giúp cộng đồng startup dễ dàng tiếp cận và triển khai dự án, ý tưởng sáng tạo của họ. Các ý tưởng về biến đổi khí hậu, mô hình kinh tế tuần hoàn cũng được Phó thủ tướng nhận xét là đúng đắn và đánh giá cao khi có nhiều chiến lược, kiến nghị sáng tạo.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các tỉnh và Bộ NN-PTNT có văn bản cụ thể về các nội dung trong diễn đàn, trình Chính phủ để có kế hoạch đồng bộ. Trong đó, nên kiến nghị có thêm nhiều các sự kiện tương tự diễn đàn, để có thể gặp gỡ, chia sẻ, tìm hướng giải quyết các bài toán nông nghiệp chuyển đổi và nhất là lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cách làm mới mẻ, sáng tạo.