'Việc sản xuất iPhone SE 4 có thể bị hủy bỏ hoặc trì hoãn đến 2024'
Thế giới số - Ngày đăng : 10:51, 21/12/2022
Giờ đây, nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo của hãng TF International Securities Group Ltd thông báo Apple thậm chí đang xem xét hủy bỏ hoặc trì hoãn việc sản xuất hàng loạt iPhone SE 4 cho đến năm 2024.
Ming-Chi Kuo viết trên Twitter: “Apple có khả năng sẽ hủy bỏ hoặc hoãn kế hoạch sản xuất hàng loạt iPhone SE 4 đến năm 2024”.
Ông cho rằng lý do chính là nhu cầu thấp với các mẫu iPhone tầm trung và cấp thấp, chẳng hạn iPhone SE thế hệ ba, iPhone 13 mini, iPhone 14 và iPhone 14 Plus.
Theo nhiều báo cáo, Apple đã phải vật lộn với doanh số các mẫu iPhone này vì chúng không hấp dẫn bằng các smartphone cạnh tranh cùng tầm giá. Năm nay, iPhone 14 Pro là những mẫu có nhu cầu cao nhất, ngay cả khi nguồn cung hạn chế đang ảnh hưởng đến Apple.
Thế nhưng, đó không phải là lý do duy nhất khiến Apple xem xét hủy bỏ kế hoạch ra mắt iPhone SE 4. Ming-Chi Kuo cũng cho biết trên Twitter rằng việc nâng cấp thiết bị với thiết kế toàn màn hình sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên đáng kể. Mẫu iPhone SE hiện tại vẫn dựa trên thiết kế giống iPhone 8, có màn hình LCD 4,7 inch với nút Home và Touch ID.
Để so sánh, iPhone SE 3 có giá 429 USD tại Mỹ, trong khi iPhone 12 (mẫu rẻ nhất hiện tại trong dòng iPhone có thiết kế toàn màn hình) đến 599 USD.
Báo cáo của Ming-Chi Kuo chứng thực những tin đồn về iPhone SE 4 trước đó. Vào tháng 8, YouTuber Jon Prosser cho biết iPhone SE 4 sẽ có kiểu dáng giống iPhone XR với màn hình LCD Liquid Retina 6,1 inch. Tuy nhiên, nhà phân tích Ross Young đưa tin Apple vẫn chưa quyết định về kích thước màn hình hoặc công nghệ cho iPhone SE 4. Điều này cũng cho thấy rằng thiết bị sẽ chưa sẵn sàng để phát hành vào năm 2023.
Ming-Chi Kuo lưu ý việc giảm bớt “sự phát triển sản phẩm mới không cần thiết” sẽ giúp Apple sẵn sàng đối mặt với những thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2023.
Số iPhone 14 Pro xuất xưởng có thể giảm 20 triệu chiếc so với ước tính
Ming-Chi Kuo nói các mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max có thể giảm 20 triệu chiếc so với kỳ vọng của thị trường trong quý 4/2022, do tình trạng bất ổn lao động tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc.
Ming-Chi Kuo đã cắt giảm ước tính cho việc xuất xưởng iPhone quý 4/2022 khoảng 20% xuống còn từ 70 triệu đến 75 triệu chiếc, so với mức đồng thuận của thị trường là 80 triệu đến 85 triệu chiếc.
Ngoài ra, Ming-Chi Kuo cũng dự đoán rằng sự thiếu hụt nguồn cung có thể xóa bỏ nhu cầu với các mẫu iPhone 14 Pro thay vì trì hoãn việc bán hàng, bởi người tiêu dùng cũng phải vật lộn với nền kinh tế suy yếu.
Ngược lại, các nhà phân tích khác kỳ vọng doanh số bán hàng của Apple sẽ tăng lên khi các hạn chế về sản xuất giảm bớt và nhiều iPhone 14 Pro hơn sẽ xuất xưởng.
Nhà phân tích Angelo Zino của hãng CFRA Research nói những hạn chế đến vào thời điểm tồi tệ nhất có thể và nghiêm trọng nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch. Một số nhà phân tích báo hiệu khả năng những thách thức sẽ kéo dài đến năm 2023.
Zeno Mercer, nhà phân tích nghiên cứu tại công ty tư vấn đầu tư ROBO Global, nói: “Tôi không thể tưởng tượng được 2023 sẽ là một năm thành công với iPhone của Apple. Những người muốn nâng cấp máy sẽ có, nếu không thì thu nhập khả dụng cho iPhone thế hệ tiếp theo sẽ giảm".
Các đối tác lắp ráp sản phẩm cho Apple đang tăng tốc chuyển sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ, giảm phụ thuộc Trung Quốc
Họ xem Ấn Độ và Việt Nam như trung tâm sản xuất tiếp theo, khi tìm cách bổ sung khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chủ yếu tập trung ở Trung Quốc vốn đang bị ảnh hưởng.
Theo hai nhà phân tích Ivan Lam và Shenghao Bai của công ty Counterpoint Research, các nhà sản xuất thiết bị điện tử chủ chốt cho Apple đang tiến nhanh hơn để đa dạng hóa năng lực của họ trên toàn cầu, tận dụng các chính sách khuyến khích từ địa phương.
Ivan Lam và Shenghao Bai cho biết Foxconn (đối tác hàng đầu của Apple) có thể chuyển tới 30% công suất của mình sang Việt Nam, Ấn Độ và Brazil sau nỗ lực kéo dài nhiều năm bắt đầu từ trước đại địch cho đến khi xảy ra các đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở Trung Quốc.
Hai nhà phân tích nói rằng một sự thay thế trực tiếp cho Trung Quốc ngay lập tức là không thể, nhưng các công ty Đài Loan như Foxconn và Pegatron Corp đang đặt nền móng để xử lý nhiều khâu lắp ráp cuối cùng và đóng gói sản phẩm bên ngoài Trung Quốc.
“Dẫn đầu là Foxconn và Pegatron, hai công ty đã đầu tư vào các nhà máy, dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất tương đối tiên tiến và đào tạo nhân sự ở Ấn Độ”, Ivan Lam và Shenghao Bai viết.
Dân số khá đông giúp Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho các sản phẩm cuối cùng cũng như cơ sở sản xuất. Hơn nữa, lực lượng lao động ở Việt Nam chiếm ít chi phí hơn Trung Quốc. Theo báo cáo, Việt Nam đã thu hút 21 nhà cung cấp của Apple hoạt động trong nước.
Theo nghiên cứu của Counterpoint Research, smartphone được sản xuất tại Ấn Độ đã tăng 16% trong quý 2/2022, đạt hơn 44 triệu chiếc.
Trung Quốc đã chứng kiến lực lượng lao động của mình bị thu hẹp kể từ năm 2020, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới. Đội ngũ công nhân lành nghề đã được giáo dục và đào tạo đã trở thành xương sống cho Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới.
Counterpoint cho biết Apple đã thực hiện phần việc của mình để giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy riêng lẻ hoặc lao động lành nghề bằng cách làm cho iPhone dễ lắp ráp hơn và có thể chuyển giao giữa các cơ sở. Apple đã tập trung vào việc giúp bảo trì và triển khai lắp ráp sản phẩm mới dễ dàng hơn.
Theo hai nhà phân tích, khó khăn trong sản xuất đã giảm đáng kể với các mẫu iPhone 14 và iPhone 14 Plus. Họ viết: “Giờ đây, các nhà máy ở Ấn Độ có thể sản xuất iPhone 14 gần như đồng thời với các nhà máy ở Trung Quốc. Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone ở Ấn Độ trong năm nay nhanh hơn nhiều so với các thế hệ trước”.
Apple được cho muốn tăng gấp ba công suất sản xuất iPhone tại Ấn Độ trong vòng 2 năm tới. Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và sang các khu vực khác trên thế giới.
Theo trang Mint, một lãnh đạo cấp cao trong ngành giấu tên cho biết: “Apple đang tìm cách tăng quy mô sản lượng iPhone tại Ấn Độ. Nó có thể tăng hơn ba lần so với những gì Apple đặt mục tiêu trong năm nay".
Mint trích dẫn lời một giám đốc khác cho biết Apple đã chỉ thị Foxconn, Pegatron và Wistron, ba trong số các nhà cung cấp lớn nhất của công ty, tăng cường năng lực và nhân lực tại Ấn Độ.
Foxconn được cho đã đầu tư 500 triệu USD vào công ty con ở Ấn Độ với hy vọng tăng năng lực hoạt động tại quốc gia Nam Á này.
Sau iPhone, một số nguồn tin tiết lộ Apple có kế hoạch mở rộng sản xuất các sản phẩm khác tại Ấn Độ, gồm cả iPad.
Nguồn cung các mẫu iPhone 14 Pro trước kỳ nghỉ lễ bị hạn chế nghiêm trọng do nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gặp sự cố về vấn đề lao động do nCoV.
Vào tháng trước, Apple cho biết trong một thông cáo báo chí rằng đang "làm việc chăm chỉ" để khôi phục nguồn cung về mức bình thường.
Đầu tháng 12, tờ Wall Street Journal cũng đưa tin Apple đang tích cực tìm cách chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á, gồm cả Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, các nguồn tin cảnh báo rằng việc thiếu nhân sự tay nghề cao và cá nhân có chuyên môn trong việc chế tạo các thiết bị có độ phức tạp cao như iPad có thể làm chậm kế hoạch này ở Ấn Độ.
Chuyên gia Gene Munster tại công ty đầu tư Loop Ventures dự đoán sẽ có lượng lớn iPhone được sản xuất tại Ấn Độ nhưng sản lượng sẽ tăng với tốc độ chậm.
“Tôi nghĩ trong 5 năm tới, 35% iPhone sẽ được sản xuất tại Ấn Độ. Apple sẽ bổ sung việc sản xuất iPhone sang các nước khác ngoài Ấn Độ và Trung Quốc trong khoảng thời gian đó, có thể là Việt Nam, Malaysia và Mỹ”.
Trong một lưu ý gửi khách hàng, nhà phân tích Harsh Kumar của công ty dịch vụ tài chính Piper Jaffray viết rằng: “Dù Apple đã nỗ lực chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng theo chúng tôi, Ấn Độ vẫn chiếm chưa đến 5% tổng sản lượng iPhone 14 và có khả năng chỉ hỗ trợ mức độ hạn chế tại thời điểm này”.