Vì sao ĐBSCL sạt lở ngày càng nhiều?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:59, 21/12/2022

Trong vài năm qua, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng tăng. Vụ sạt lở kinh hoàng ở Vĩnh Long ngày 5.12 là một điển hình. Theo các nhà khoa học Đại học Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân gây sạt lở ở ĐBSCL, trong đó biến đổi khí hậu và con người tác động vào thiên nhiên.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu, tình trạng khai thác cát cho nhu cầu xây dựng đô thị và giao thông, chúng ta sẽ rõ vì sao ĐBSCL sạt lở ngày càng nhiều.

Thời gian từ đầu những năm 2000 đến nay, ngoài phát triển giao thông, ở các tỉnh ĐBSCL đã bùng nổ việc phát triển đô thị, thị trường bất động sản. Mỗi tỉnh có từ 10-20 khu dân cư, khu tái định cư. Các khu này tất cả đều có nhu cầu về cát san lấp, cát xây dựng. Chính vì nhu cầu cát quá lớn nên nhiều tỉnh trong vùng đã tăng cường khai thác các mỏ cát trên địa bàn.

Ngoài việc khai thác cát theo giấy phép, theo quy hoạch, có một yếu tố gây lo ngại cho cư dân ven sông trong vùng là tình trạng “khai thác cát lậu” hay còn gọi là “cát tặc”. Cát tặc hoạt động rất cơ động và đều khắp. Nơi nào có cát, dân có nhu cầu thì có cát tặc. Ở các tỉnh ĐBSCL cát tặc hoành hành rất dữ. Một phần do chúng rất cơ động, một phần cũng do các cơ quan chức năng chưa làm mạnh tay, chính quyền các địa phương có cát tặc hoạt động chưa kiểm tra xử  lý nghiêm khắc.

xd-8.jpg
Hằng trăm khu dân cư, khu tái định cư ở ĐBSCL cần số lượng cát rất lớn - Ảnh: Văn Kim Khanh

Trở lại việc khai thác cát phục vụ xây dựng đường cao tốc ở ĐBSCL từ năm 2022-2025, cát là vấn đề nóng. Mới đây, trong cuộc họp ngày 15.12 tại tỉnh Sóc Trăng giữa Bộ Giao thông- vận tải (GT-VT) Bộ Tài nguyên- Môi trường ( TN-MT) cùng với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đã bàn nhiều về giải pháp các cho các dự án cao tốc trong vùng. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, trong giai đoạn từ 2022–2025 nhiều dự án lớn trong khu vực được triển khai đồng bộ như Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (188,2km); Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (27,4km); Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (26,5km)... dẫn đến nguy cơ thiếu vật liệu, đặc biệt vật liệu cát đắp nền đường.

cthg.jpg
Phối cảnh đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Ảnh: Internet

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng ĐBSCL hoàn toàn có thể chủ động nguồn cát sông cho các dự án cao tốc, đặc biệt các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang với trữ lượng cát sông được đánh giá dồi dào. Trong 39 triệu m3 cát cần để phục vụ xây dựng đường cao tốc, năm 2023 chỉ sử dụng khoảng 16 triệu m3, còn 23 triệu m3 rơi vào năm 2024, đầu năm 2025 chứ không phải cần dồn dập.

Tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tính ra tổng cộng, để đáp ứng được cho cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và Cao Lãnh – Mỹ An, tỉnh Đồng Tháp phải đáp ứng khoảng gần 8 triệu m3 cát. Các tỉnh khác như Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long... có báo cáo và phương án khai thác cát để phục vụ phát triển giao thông từ nay đến năm 2025.

z3970649330195_4cb2c5d7f5ef1f42494079f65997afff.jpg
Khai thác cát lậu trên sông Tiền hạ lưu cầu Mỹ Thuận vào ban đêm - Ảnh: Internet

Xem thế, từ nay đến năm 2025, chỉ riêng xây dựng đường cao tốc trong vùng nhu cầu phải có khoảng 39 triệu m3 cát. Chưa tính đến việc xây dựng đường giao thông không cao tốc và xây dựng đô thị, nhu cầu sẽ bao nhiêu thì chưa có con số cụ thể. Trong khi đó việc xây dựng các khu công nghiệp và nhu cầu dân dụng cũng cần một lượng cát rất lớn nhưng chưa có tỉnh nào báo cáo.

z3970651227256_bdefb98ca47064ad122f45d2a49443c0.jpg
Cát tặc trên sông Tiền - Ảnh: Internet

Chính vì nhu cầu cát quá lớn, cung không đủ cầu, cát xây hay cát lấp đều có giá cao nên hiện nay ở ĐBSCL cát tặc rất lộng hành. Những địa phương nào có địa bàn giáp với sông Cửu Long, có cát, nếu chính quyền lơ là, ngành chức năng không tuần tra kiểm soát nghiêm khắc là có cát tặc lộng hành. Cát tặc thường hoạt động vào ban đêm. Chúng cho ghe vài chục đến vài trăm tấn đến những nơi có cát tốt, dễ hút thì chúng cho hút cát bằng hệ thống bơm thủy lực. Hệ thống này với ống có thể hút cát sâu vài chục mét dưới lòng sông. Máy hoạt động gồm có việc hút cát và bơm nước ra liên tục. Địa phương có cát tặc khai thác cát trái phép mạnh là nơi tiếp giáp của Vĩnh Long - Tiền Giang. Hạ lưu của cầu Mỹ Thuận đến đầu cồn xã Đồng Phú - huyện Long Hồ ( Vĩnh Long) là điểm cát tặc hoạt động về đêm. Vào đầu quý 4/2022, mỗi đêm cát tặc cho từ 5-10 tàu, loại tàu vỏ sắt trang bị đầy đủ hệ thống bơm hút. Bơm hút xong đến khuya chúng lại chạy về hướng Cái Bè - Tiền Giang.

z3910429320302_9c5eb25e98541a9fd5818384610f9f1a-1-(1).jpg
Cát tặc loại "Cá kèo" bị bắt ở TP.Mỹ Tho - Ảnh: Mỹ Tho

Tại Tiền Giang, tình trạng cát tặc lộng hành cũng không thua Vĩnh Long. Tại TP.Mỹ Tho, có hàng chục ghe bơm hút các bị các ngành chức năng bắt và neo đậu nguyên một đoạn kinh. Đây là tình trạng chung của các tỉnh ĐBSCL. Nơi nào có nhu cầu cát thì có cát tặc hoạt động.

Khai thác cát từ sông theo quy hoạch ít tác động đến môi trường nhưng nếu chúng ta lạm dụng sẽ có tác hại. Bên cạnh đó, việc khai thác lậu làm mất cân bằng sinh thái tự nhiên dễ gây ra sạt lở. Chúng có thể làm thay đổi dòng chảy, gây ra sạt lở nhiều hay ít tùy vào sự tác động vào dòng sông.

Vì vậy, để hạn chế những vụ sạt lở, bảo vệ môi trường các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu, thiết nghĩ các tỉnh trong vùng nên khai thác cát cho đúng quy hoạch, không quá tận thu cát để đạt mục tiêu phát triển kinh tế. Cấp phép nhưng các cơ quan chức năng phai tăng cường kiểm tra, xử lý những sai phạm từ các đơn vị được cấp phép nếu có.

Nguy cơ sạt lở phần lớn ảnh hưởng việc khai thác cát lậu một cách quy mô. Vì vậy các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt, kể cả tịch thu các phương tiện khai thác trái phép của bọn cát tặc. Có như thế tình hình sạt lở ở ĐBSCL mới có thể giảm nhẹ do tác động của con người quá nhiều vào thiên nhiên.

PGS. TS Văn Phạm Đăng Trí cho rằng nếu chúng ta khai thác cát không theo quy hoạch cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ĐBSCL có thể sẽ ngày càng sạt lở nhiều hơn.

Văn Kim Khanh