Dị ứng trứng, vì sao?

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:55, 21/12/2022

Dị ứng trứng là 1 trong những dị ứng thức ăn thường gặp nhất ở trẻ em. Chẩn đoán đa phần dựa vào bệnh sử và các xét nghiệm đơn giản, dễ làm.

Quả trứng gà, trứng vịt… tưởng chừng rất lành tính nhưng lại cũng có thể gây ra dị ứng, nhất là đối với trẻ em, không thua gì với dị ứng hải sản hay nhiều dị ứng thường gặp khác.

di-ung-trung-vi-sao-hinh-anh(1).png
Lòng trắng của trứng là nguyên nhân gây ra dị ứng, nhất là đối với trẻ em - Ảnh: PV

Trên thế giới hiện nay có khoảng 220 - 250 triệu người bị dị ứng thức ăn. Trẻ em có tỷ lệ dị ứng thức ăn cao hơn người lớn, 5 - 8% trẻ bị dị ứng thức ăn trong khi con số này ở người lớn là 1 - 2%.

Dị ứng thức ăn thường đi kèm các bệnh lý dị ứng khá, như trẻ bị chàm nặng chiếm khoảng 90%, 10% trẻ hen phế quản có kèm theo dị ứng thức ăn. Trẻ bị dị ứng thức ăn dưới 2 tuổi có nguy cơ cao bị hen lúc 7 tuổi.

Các thức ăn thường gây dị ứng là đạm sữa bò, đạm trứng gà, đậu nành, lạc (đậu phộng), các loại hạt, hải sản tôm cua cá, bột mì… Điều đặc biệt là dị ứng trứng, nhất là dị ứng trứng gà. Theo bác sĩ Phạm Hoàng Thắng - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), trong quả trứng gà cấu tạo gồm vỏ không gây dị ứng; lòng trắng trứng chiếm 56 - 65%, lòng đỏ trứng 27 - 35%.

Trong đó, lòng trắng trứng là nguồn gây dị ứng chính của trứng, gồm 23 protein, dị nguyên chủ yếu là Gal d1 (ovomucoïde), Gal d2 (ovalbumine) chiếm 54% của các protéines, Gal d3 (ovotransferrine) và Gal d4 (lysozyme).

Dị nguyên lòng trắng trứng thì nhạy cảm với nhiệt độ (trừ Gal d1) nhờ vậy trứng chín có thể dung nạp trong vài trường hợp. Gal d1 kháng lại sự tiêu hóa bởi các proteinases và mang tính chất dị ứng mạnh nhất.

Để chẩn đoán dị ứng trứng cần dựa vào bệnh sử, lâm sàng, cận lâm sàng như: test lẩy da, IgE đặc hiệu, chế độ loại bỏ dần thức ăn gây dị ứng, test kích thích đường miệng…

“Dị ứng thức ăn với trứng tiên lượng tốt, trong đó 50% dị ứng chữa được ở tuổi trung bình là 3 tuổi, và 66% ở lứa tuổi 5 tuổi”, bác sĩ Thắng nói.

Để điều trị tình trạng dị ứng trứng, bác sĩ Thắng cho biết người bị tình trạng này cần tránh các sản phẩm chứa trứng, cho dù đó là thực phẩm, mỹ phẩm hoặc thuốc; đồng thời giáo dục bệnh nhân và người thân, đôi khi cần sự hỗ trợ của chuyên gia dinh dưỡng. Đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên các nhãn sản phẩm. Chú ý các thức ăn bán sẵn có thể có chứa trứng như: bánh bông lan, súp, kem, sốt mayonnaise...

Hồ Quang