Vì sao Anh hứng chịu làn sóng đình công?
Quốc tế - Ngày đăng : 15:33, 22/12/2022
Tuần trước, lực lượng y tá tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Hộ lý ở nhiều vùng của nước Anh cũng đình công, sau đó đến lượt nhân viên xe cứu thương.
Loạt phong trào đình công nổ ra ở nhiều lĩnh vực cho thấy đảo quốc sương mù đang rất không ổn. Lao động đảo quốc sương mù than phiền về tiền lương, điều kiện làm việc cùng khả năng tiếp cận dịch vụ thiết yếu của họ sụt giảm nghiêm trọng bởi cắt giảm chi tiêu và đầu tư không đúng mức trong thời gian dài.
Mức độ nghiêm trọng của đình công
Y tế và dịch vụ cấp cứu, mọi hình thức đi lại, giáo dục, hệ thống tư pháp hình sự, dịch vụ bưu chính cùng nhiều lĩnh vực khác đều bị ảnh hưởng.
Đợt đình công của công nhân đường sắt đã kéo dài suốt vài tháng và thường xuyên xuất hiện trên trang nhất các báo ở Anh. Công đoàn RMT đại diện cho bảo vệ, nhân viên soát vé, nhân viên bảo trì kêu gọi tổ chức nhiều cuộc biểu tình ngay cả trong dịp Giáng sinh. Công đoàn ASLEF đại diện cho tài xế xe lửa cũng định hành động vào tháng 1 năm tới. Họ muốn tăng lương và đảm bảo công việc.
Nhân viên bưu chính Royal Mail đang đình công ngay trước thềm Giáng sinh, ảnh hưởng đến hoạt động giao hàng dịp lễ bận rộn.
Người thuộc lực lượng biên phòng là thành viên công đoàn PCS đình công trong 8 ngày dịp lễ, gây xáo trộn ở sân bay Heathrow Luân Đôn cũng như loạt địa điểm khác ở Gatwick, Manchester, Birmingham, Cardiff, Glasgow.
Tài xế xe buýt ở Luân Đôn lên kế hoạch thực hiện nhiều đợt đình công suốt tháng 12.
Một số công đoàn giáo viên hỏi ý thành viên về việc đình công sau khi đề nghị tăng lương bị từ chối. Tháng tới giáo viên ở Scotland sẽ đình công.
Luật sư hình sự vừa đình công vào đầu mùa đông.
Lý do đình công
Làn sóng đình công nổ ra trong bối cảnh kinh tế Anh trì trệ. Khủng hoảng chi phí sinh hoạt cùng lạm phát tăng vọt khiến người dân sa sút hơn. Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) tính toán tiền lương tại đảo quốc sương mù - sau khi được điều chỉnh theo lạm phát - đã giảm với mức mạnh nhất kể từ năm 2001 đến nay.
Tăng trưởng tiền lương khu vực công năm 2022 chỉ là 2,7% - thua xa 6,9% của khu vực tư nhân. ONS cho biết đây là khoảng cách lớn nhất mà họ từng ghi nhận.
Tuy nhiên, nỗi tức giận của nhiều lao động đình công không chỉ do tình hình kinh tế hiện tại. Kể từ khi cựu Thủ tướng David Cameron thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng” khiến ngân sách cho dịch vụ công bị cắt giảm, lao động khu vực công đã lên tiếng phàn nàn.
Ngân sách cho hội đồng địa phương lẫn trường học sụt giảm suốt những năm 2010 - thập kỷ mà giới phê bình đánh giá đã kiềm hãm đất nước.
Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và đại dịch COVID-19 thúc đẩy đảo quốc sương mù thắt chặt hầu bao hơn nữa. Gần đây bất ổn chính trị - nước Anh trong vòng 6 năm có 5 Thủ tướng - cùng kế hoạch tài chính thảm họa của cựu Thủ tướng Liz Truss (nắm quyền vỏn vẹn 45 ngày) làm tiêu tan hy vọng khu vực công nhận được nhiều ngân sách hơn.
Nỗi tuyệt vọng của nhân viên y tế
Nhân viên y tế đình công rất hiếm xảy ra ở Anh. Tính đến tháng 12, công đoàn y tá lớn nhất nước này chưa tổ chức đợt đình công nào trong 106 năm tồn tại. Đợt đình công tuần trước mới là lần đầu tiên nhân viên xe cứu thương làm vậy từ năm 1990 đến nay.
Nhưng vài năm gần đây họ bị đẩy đến đường cùng: nhân sự thiếu thốn, lương thấp, số lượng bệnh nhân tăng vọt khiến bệnh viện chật cứng.
Hiện tại người dân Anh phải chờ trung bình 1 giờ nếu gọi xe cứu thương cho trường hợp đau tim, đột quỵ hay các vấn đề tương tự. Thời gian chờ của trường hợp thuộc nhóm bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng cũng lên tới 10 phút.
Tình hình cũng không khá hơn khi bệnh nhân nhập viện, thời gian chờ cũng ở mức kỷ lục. Xe cứu thương chở bệnh nhân xếp hàng dài bên ngoài bệnh viện là cảnh thường thấy.
Cả năm 2020 chỉ có 1 trường hợp qua đời do xe cứu thương đến trễ, 9 tháng của năm 2022 con số này lên đến 37.
Y tá 7 năm kinh nghiệm Andrea Mackay cho biết tất cả bệnh viện ở Anh đều đang thiếu nhân lực. Y tá khoa nhi Jessie Collins từng một mình chăm sóc 28 bệnh nhi.
Chính phủ đau đầu tìm cách giải quyết
Chính phủ đương nhiệm tuyên bố không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu tăng lương mà các công đoàn đưa ra.
Với đợt đình công của công nhân đường sắt, chính phủ cho rằng trách nhiệm giải quyết thuộc về các công ty đường sắt tư nhân.
Đây là vấn đề lớn với Thủ tướng Rishi Sunak. Lúc lên nắm quyền ông cam kết áp dụng cách tiếp cận thận trọng và hợp lý đối với nền kinh tế đang chìm trong khủng hoảng.
Nhiều cuộc thăm dò cho thấy dư luận có thiện cảm với lao động tiến hành đình công, đổ lỗi cho chính phủ. Mặc dù vậy các bộ trưởng lại luôn giữ quan điểm cứng rắn không chịu khuất phục trước bất cứ yêu cầu nào.
Chính trị gia lãnh đạo đảng Lao động đối lập Keir Starmer công kích Thủ tướng Sunak trước Quốc hội Anh về đợt đình công của y tá tuần trước. Ông kêu gọi tìm cách đạt thỏa thuận với lao động.