TP.HCM sẽ hạn chế ô tô khách vào trung tâm TP trước Tết Nguyên đán 2023
Sự kiện - Ngày đăng : 18:10, 22/12/2022
Theo ông Bùi Hòa An, Sở Giao thông vận tải đã tổng hợp và trình UBND TP phương án hạn chế xe ô tô khách có giường, dự kiến áp dụng từ ngày 15.12.2022. Sở Giao thông vận tải đã lấy ý kiến Sở Tư pháp và đang rà soát, hoàn chỉnh và báo cáo UBND TP chủ trương tổ chức giao thông hạn chế xe ô tô khách có giường nằm hoạt động vào khu vực nội đô thành phố trong tháng 12.2022.
“Sau khi UBND TP chấp thuận chủ trương, chúng tôi sẽ tổ chức triển khai thực hiện trước tết Nguyên đán. Qua quá trình triển khai sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế”, ông An cho biết.
Liên quan đến tình trạng xe bỏ tuyến, xe dù, bến cóc ngày càng gia tăng sau khi TP chuyển Bến xe Miền Đông cũ ra Bến xe Miền Đông mới, ông An cho biết, hiện TP có 1.127 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó có 866 doanh nghiệp, 249 hợp tác xã, 12 hộ kinh doanh với 94.144 phương tiện các loại.
Loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại các bến bãi, trước và trong khuôn viên trụ sở văn phòng, công viên, cây xăng… Đây là loại hình hợp đồng vận tải, có sự thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng, khi vận chuyển hành khách lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển gồm có danh sách hành khách theo mẫu và cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển đến Sở Giao thông vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử trước khi thực hiện vận chuyển hành khách.
Tuy nhiên, qua thực tế trong quá trình hoạt động, các nhà xe đã thu gom hành khách lẻ, không đảm bảo môi trường vận tải hành khách diễn ra chủ yếu ở các địa bàn quận 10, quận 5, quận Tân Phú, quận Tân Bình và trên các tuyến đường Lê Hồng Phong (quận 5), Nguyễn Duy Dương, Hùng Vương… Để giải quyết vấn đề này, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức quyết liệt trong việc xử lý tình trạng an ninh trật tự an toàn giao thông.
“Tình trạng xe đón, trả khách không đúng nơi quy định vẫn diễn ra thường xuyên, tồn tại một thời gian dài chủ yếu là do việc kiểm tra, xử lý một số địa phương chưa thường xuyên và thiếu quyết liệt. Tình trạng xe hợp đồng, xe trả, đón khách không đúng nơi quy định chỉ giảm khi có tổ chức kiểm tra, hoặc thay đổi địa bàn hoạt động, nhưng sau đó lại phát sinh trở lại”, ông An nói.
Đề cập đến vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên, ông Bùi Hòa An cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay đã phát hiện và lập biên bản 1.476 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt 2,530 tỉ đồng.
Ngoài ra thanh tra giao thông cũng xử phạt 1 trường hợp không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định; không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào phần mềm xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các xe ô tô thuộc đơn vị cho cơ quan nhà nước có thấm quyền; sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị), hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô với số tiền xử phạt là 22 triệu đồng; đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng phù hiệu 2 tháng đối với 47 phương tiện có vi phạm của đơn vị.
Qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trong năm 2022, Sở Giao thông vận tải đã có quyết định thu hồi 7.193 phù hiệu, biến hiệu vi phạm theo quy định.