Điều gì khiến việc tái chế pin lithium ion trở thành một thách thức?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:00, 23/12/2022
Tại một nhà máy tháo dỡ ô tô ở gần sa mạc Mojave (Mỹ), anh Benjamin Reynaga đang thận trọng xem xét một bộ phận quan trọng của một chiếc xe hybrid, đó chính là pin lithium ion.
Chiếc xe bị loại bỏ sẽ được nghiền nát, nhưng riêng pin được xử lý cẩn thận hơn. Người ta tháo rời nó và gửi đến Công ty Redwood Materials tại Nevada (Mỹ) để thu hồi một số kim loại có giá trị bên trong.
Nhà máy nơi anh Reynaga làm việc chuyên tái chế và tái sử dụng các kim loại như coban, lithium và niken. Nếu pin quá cũ thành nguồn cung cấp nguyên liệu chính sản xuất pin mới cho các loại xe điện thì điều này sẽ trở nên hợp lý hơn và tốt hơn cho môi trường.
Nick Castillo, người quản lý nhà máy của LKQ Corp cho biết: "Chúng tôi chỉ mới chuẩn bị sẵn sàng. Cơ sở này chủ yếu phá dỡ các loại xe chạy xăng nhưng đang chuẩn bị tháo rời nhiều loại xe hybrid và xe điện hơn".
Doanh số bán ô tô điện đang tăng mạnh, ngành công nghiệp ô tô và pin đang đầu tư hàng tỉ USD để nâng cấp và xây dựng các nhà máy mới. Những chiếc xe này có thể giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng pin lại gây ra những chuyện rắc rối riêng.
Thật không may, không dễ dàng để tái chế pin lithium ion. Lithium có thể dễ cháy, khiến nó trở thành vật liệu nguy hiểm để tái chế. Ngoài ra, pin xe điện và pin lưu trữ rất nặng, khiến việc vận chuyển chúng đến trung tâm tái chế là một quá trình gian nan.
Pin lithium ion bao gồm nguyên liệu chính là coban, niken, đồng và nhôm. Mỗi kim loại này có thể được tái chế và tái sử dụng. Và giờ đây, một cuộc đua đang diễn ra để thu thập và tái chế pin lithium ion đã qua sử dụng. Các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà sản xuất ô tô và các công ty năng lượng đang đổ tiền vào hàng chục công ty tái chế khởi nghiệp ở Bắc Mỹ và châu Âu.
"Chúng ta đang cố gắng thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch và sử dụng nhiều carbon. Nhu cầu về lĩnh vực tái chế pin sẽ rất lớn", Gavin Harper - nhà nghiên cứu về tái chế pin tại Đại học Birmingham (Anh) cho biết.
Nhưng bất chấp sự lạc quan, ngành kinh doanh mới này phải đối mặt với một thách thức khó khăn: Sẽ có rất ít pin để tái chế trong vòng chục năm nữa. Tesla, công ty thống trị mảng kinh doanh xe điện, bắt đầu bán ô tô từ năm 2008 và cho đến năm 2017 bán được chưa đến 100.000 chiếc mỗi năm. Ngày nay, có nhiều nguồn khác để tái chế, bao gồm cả xe hybrid và đồ điện tử tiêu dùng, nhưng nguồn cung hạn chế và việc thu gom có thể gặp nhiều khó khăn. Điều đó đã khiến các công ty tái chế rơi vào tình thế khó khăn.
Eric Frederickson, Giám đốc điều hành hoạt động của Call2Recycle, một chương trình phi lợi nhuận hỗ trợ các công ty tái chế cho biết: "Bạn có những người đang đốt tiền vì bạn không có nguyên liệu để có thể tạo ra vật liệu để bán, tìm pin cũ.
Các công ty tái chế pin cũng phải tìm ra cách tìm, thu thập và tháo dỡ pin. Họ phải làm việc với nhiều thợ tháo dỡ, bãi phế liệu và các nhóm phi lợi nhuận. Do pin dễ bị cháy và được đóng gói cũng như chế tạo khác nhau giữa các kiểu máy nên việc tháo rời chúng có thể phức tạp và nguy hiểm.
Trong số các công ty tái chế pin, Redwood nổi bật hơn cả. Công ty này được thành lập bởi JB Straubel, cựu giám đốc điều hành hàng đầu của Tesla và đã huy động được hơn 1 tỉ USD từ các nhà đầu tư.
Redwood được coi là nhà sản xuất vật liệu pin làm từ kim loại thu hồi hoặc khai thác và đã thiết lập quan hệ đối tác tái chế với các hãng xe lớn như Ford Motor, Toyota, Volkswagen, Volvo. Redwood cũng tái chế phế liệu từ một nhà máy pin do Panasonic và Tesla điều hành.
Redwood đang xây dựng một nhà máy rộng 71ha để thu hồi kim loại từ pin cũ và sản xuất vật liệu cho pin mới. Redwood đã công bố vào tuần trước rằng họ sẽ chi ít nhất 3,5 tỉ USD cho một nhà máy khác ở Nam Carolina (Mỹ), một khu vực đang nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất pin và xe điện.
Hãng Panasonic gần đây cho biết họ có kế hoạch sử dụng các sản phẩm của Redwood trong pin của mình tại hai nhà máy ở Mỹ.