Ứng dụng chống nạn sàm sỡ, xâm hại tình dục ở Việt Nam khác Nhật và Mỹ ra sao?
Thế giới số - Ngày đăng : 14:23, 22/05/2020
Sau thời gian cách ly xã hội, từ đầu tháng 5 đến nay lại xuất hiện một số vụ ấu dâm ở Việt Nam khiến dư luận phẫn nộ. Trong số này có clip gã đàn ông ở Tiền Giang dâm ô con gái 8 tuổi của ân nhân để rồi bị đánh bầm dập. Trước đó là hàng loạt vụ sàm sỡ phụ nữ trong thang máy và nơi công cộng.
Làm cách nào để hạn chế nạn quấy rối và xâm hại tình dục là câu hỏi khó với chính quyền nhiều nước trên thế giới.
Ứng dụng chống yêu râu xanh ở Mỹ
Năm 2013, Bộ An ninh Nội địa Mỹ vận động người dùng smartphone cài ứng dụng này để tham gia cuộc chiến chống yêu râu xanh.
Với ứng dụng Chiến dịch chống yêu râu xanh trẻ con, bạn được cung cấp thông tin, gửi danh sách những kẻ ấu dâm đang bị truy lùng nhiều nhất tại Mỹ qua smartphone hoặc email.
Ứng dụng trên được cung cấp miễn phí kèm cảnh báo không dành cho người từ 17 tuổi trở xuống.
“Khi trẻ em bị lạm dụng hoặc khai thác tình dục, đó là cuộc chạy đua với thời gian để giải cứu các em và đưa tội phạm ra xét xử. Những cuộc điều tra này thuộc diện ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Trong thế giới hiện tại, chúng ta cần am hiểu công nghệ và phát kiến để có sự tiếp cận thích hợp” là chia sẻ của John Sandweg, quyền giám đốc Cơ quan Di trú và Thi hành Hải quan (ICE), đơn vị trực thuộc Bộ An ninh Nội địa chịu trách nhiệm về ứng dụng trên.
Ngoài ra, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng cung cấp ứng dụng Child ID cho iPhone và thiết bị Android, giúp phụ huynh trình báo khẩn cấp các trường hợp bị mất tích của con cái ở độ tuổi vị thành niên hoặc nhỏ hơn.
Ứng dụng giúp phụ nữ Nhật kêu cứu khi bị sàm sỡ
Ứng dụng miễn phí Digi Police cung cấp tính năng xua đuổi kẻ sàm sỡ phụ nữ trên những chuyến tàu chật chội vào giờ cao điểm và thông báo đến cảnh sát Tokyo (Nhật).
Khi bấm nút trên Digi Police, smartphone của nạn nhân sẽ phát ra tiếng kêu “Dừng tay" với âm lượng cực lớn.
Phụ nữ cũng có thể chọn cách hiển thị thông báo toàn màn hình với nội dung "Có kẻ sàm sỡ. Xin cứu giúp" để đưa cho người đứng gần mình đọc và giúp đỡ.
Được Sở Cảnh sát thành phố Tokyo giới thiệu năm 2016, Digi Police ban đầu cung cấp thông tin về các vụ lừa đảo cho người cao tuổi, bố mẹ và trẻ em. Vài tháng sau, tính năng "Xua đuổi kẻ sàm sỡ" được bổ sung nhưng không nhiều người chú ý đến. Chỉ tới cuối năm 2018, Digi Police mới đột ngột gây sốt sau việc một nữ ca sĩ bị xâm hại.
Theo luật Nhật Bản, kẻ có hành vi quấy rối tình dục phụ nữ sẽ bị phạt tối đa 6 tháng tù và 500.000 yên nhật. Nếu có yếu tố vũ lực hoặc đe dọa, mức phạt tù tối đa là 10 năm.
Ứng dụng chống nạn quấy rối, xâm hại tình dục và cảnh báo kẻ sàm sỡ trong thang máy ở Việt Nam
Tối 27.6.2017, Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam (Trung tâm Tình nguyện Quốc gia) thuộc T.Ư Đoàn, Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổ chức ActionAid Việt Nam phối hợp tổ chức lễ ra mắt ứng dụng S-City ActionAid (Safe City) với thông điệp “Hành động vì thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”.
Không chỉ giúp phụ nữ tự bảo vệ bằng cách gọi cứu trợ khẩn cấp hay bật chuông báo động tương tự Digi Police khi gặp kẻ sàm sỡ, S-City còn hỗ trợ gửi tin nhắn cứu hộ kèm vị trí hiện tại đến bà Chu Thị Hà - chuyên gia về quyền phụ nữ và nghe tư vấn của luật sư.
Ngoài ra, S-City tạo ra không gian mạng xã hội để đánh giá chất lượng các dịch vụ công và cảnh báo tình trạng an toàn tại các địa điểm công cộng trong thành phố.
Ứng dụng này được cung cấp miễn phí cho người dùng iPhone, Android và Window Phone.
Theo nghiên cứu của ActionAid Việt Nam, 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục; 63,4% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy lo lắng về các mối nguy hiểm tiềm ẩn tại những nơi công cộng, đặc biệt là xe buýt, bến xe hay nhà vệ sinh công cộng. Đáng chú ý là khi bị bạo lực hay quấy rối, nạn nhân thường có xu hướng im lặng, trong khi phần lớn nam giới và người chứng kiến không có hành động can thiệp.
Tháng 9.2019, nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đã giới thiệu ứng dụng kết nối với camera quan sát để phát hiện và cảnh báo hành vi quấy rối, xâm hại tình dục.
Chẳng hạn, ứng dụng quan sát hành vi của người đàn ông đứng gần cô gái trong thang máy. Dữ liệu hình ảnh được gửi về máy chủ và phân tích liên tục, nhận diện hành động từ bình thường chuyển sang bất thường của người đàn ông có ý định sàm sỡ phụ nữ rồi phát ra thông báo: “Yêu cầu có hành vi đứng đắn”. Hình ảnh và thông báo này cũng được gửi về người theo dõi camera qua smartphone hay máy tính.
Ứng dụng đang tiến tới việc tích hợp với hệ thống điều khiển thang máy. Nếu hành vi xâm hại chưa dừng lại thì cửa thang máy sẽ mở ra cho nạn nhân thoát thân rồi đóng kín, không cho nghi phạm bỏ trốn khỏi hiện trường.
Nhóm sinh viên cần có thêm kinh phí để để sớm đưa ứng dụng vào thực tế.
Nhân Hoàng (tổng hợp)